Trẻ em và máy lạnh

Thứ hai - 22/04/2019 10:22
Nắng nóng kéo dài và đang trong giai đoạn đỉnh điểm. Lúc này máy lạnh là vật dụng cứu cánh cho nhiều gia đình. Tuy nhiên việc sử dụng máy lạnh không đúng cách sẽ là tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Nhớ hồi nhỏ, mỗi trưa hè nóng nực như vầy, mẹ cho tắm mát xong mới lên ngủ. Ngày ấy chưa có quạt máy, điều hòa như bây giờ, gió là từ cái quạt nan mà hầu như nhà nào cũng có. Con nằm sấp, mẹ xoa lưng, tay quạt, miệng ru:

"À ơi...cái ngủ mày ngủ cho lâu, mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được mười tám mười chín con trê, cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn..."

Chỉ vậy thôi, con chìm vào giấc nồng hồi nào không hay... 

Ngày nay, tệ lắm cũng là quạt máy. Nhấn nút khởi động, cho xoay là gió thổi vù vù. Còn máy lạnh thì khỏi chê rồi, trời hầm hập như cái nóng tháng tư này thì ngủ máy lạnh là sướng nhất. Ngoài trời có thiêu, có đốt, thì trong phòng cứ mát lạnh như đang vi vu Đà Lạt. 

Hiện đại vậy, tiện ích vậy, nhưng theo các nhà chuyên môn về sức khỏe thì: máy lạnh và quạt đều có những ưu - khuyết riêng, đặc biệt cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ nhỏ. 

Với môi trường ô nhiễm như hiện nay, việc mở quạt liên tục có thể tạo ra một vòng xoáy, cuốn bụi và thổi về phía trẻ. Nếu muốn dùng quạt thì phụ huynh nên để quạt ở xa, mở nhẹ và nhất là không để quạt thổi trực tiếp vào người trẻ. 

Còn máy lạnh thì làm giảm độ ẩm và sự lưu thông của không khí, nên có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ. Nếu chỉnh nhiệt độ không phù hợp hay để luồng gió máy lạnh hướng về phía trẻ, có thể gây viêm mũi, viêm họng, viêm phổi…

20180703 troi nang nong lam the nao de tre nam dieu hoa an toan 1
Máy lạnh có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ

Như vậy, điều lưu ý khi mở máy lạnh cho trẻ là cần kiểm soát tốt độ ẩm và sự thoáng khí. Nên bố trí quạt hút gió, thông gió hoặc thỉnh thoảng tắt máy lạnh, mở cửa sổ, cửa phòng để không khí được lưu thông. 

Khi đang để trẻ ngồi phòng điều hòa, đừng đột nhiên đưa trẻ ra môi trường bên ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị sốc nhiệt.

Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, hãy tắt điều hòa nhiệt độ, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng đó, sự tăng nhiệt độ dần của căn phòng sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới nên đưa trẻ ra ngoài.

Cũng vậy, khi trẻ ở ngoài nắng về, phụ huynh nên lau mồ hôi cho con  sau đó mới vào phòng điều hòa. Những ngày nắng nóng nên hạn chế cho trẻ ra vào phòng máy lạnh liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột. 

Không nhất thiết phải bật máy lạnh 24/24 giờ. Khi trời không quá nóng hoặc quá ẩm, tốt nhất là sử dụng quạt  để làm mát cho trẻ. 

Vì khí nóng thường bốc từ thấp lên cao nên hãy chuyển cho trẻ xuống nằm nơi thấp hơn, có thể đặt một tấm đệm mỏng rồi cho trẻ nằm luôn trên sàn nhà.

may lanh va tre nho minhanh 1
Người bệnh khi điều trị tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng máy lạnh hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe

Để ý thời gian bảo dưỡng để đảm bảo máy lạnh luôn sạch sẽ và chạy đúng công suất. Thường xuyên lau dọn phòng sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập. 

Phụ huynh thực hiện tốt những lưu ý này sẽ giúp trẻ tránh được vấn đề sức khỏe khi sử dụng máy lạnh. 

Xã hội đi lên, nhu cầu vật chất cũng lên theo, võng tự động thay cho nhịp đưa kẽo kẹt của mẹ, máy lạnh, quạt máy thay cho tiếng phành phạch của cái quạt nan, tiếng  à ơi của lời ru  ngày nào.... Cái mới thay cho cái cũ, hiện đại, tiện dụng thay cho thô sơ, thủ công...Chỉ băn khoăn là, thiếu những cái gọi là thô sơ cũ kỹ đó, liệu trẻ lớn lên còn cảm nhận được sự da diết mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong nhạc phẩm Tình Ca để đời của ông " Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời..."

Nguồn tin: Minh Anh tổng hợp

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?