Mãn kinh nhìn từ góc độ y khoa
Mãn kinh (Menopause) là giai đoạn quá độ từ tuổi trung niên sang tuổi già. Về sinh lý, đây là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên giữa những năm sinh sản đến thời kỳ ngừng sinh sản và bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc đời. Quá trình biến đổi rất dài, từ suy giảm chức năng rụng trứng, buồng trứng ngừng sản sinh tế bào trứng, lượng hormon thay đổi, kinh nguyệt từ rối loạn đến ngừng hẳn, teo cơ quan sinh dục,….
Thời kỳ này bắt đầu từ tuổi 40, kéo dài vài năm trước kỳ kinh cuối tới 1-2 năm sau đó, trung bình khoảng 10-20 năm. Các triệu chứng mãn kinh xảy ra đối với cơ thể khác nhau tùy theo mỗi người, có thể là các triệu chứng nhẹ thoáng qua, hoặc mắc phải hàng loạt biến đổi tâm sinh lý. Tiêu biểu như tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu rắt, cảm giác nóng bừng mặt (bốc hỏa), rối loạn giấc ngủ, ra mồ hôi trộm ban đêm, hành kinh bất thường hoặc có thể ngưng đột ngột, hoặc dần dần nhẹ đi hay nặng dần rồi dừng hẳn, suy giảm khả năng sinh sản.
Ngoài ra còn có các thay đổi bề ngoài như tóc khô, rụng, dễ gãy, da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Tuyến vú mềm nhão, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, giọng nói bị ồ, lông chi mọc nhiều hơn. Tính khí thay đổi, tăng nhạy cảm hoặc dễ bị mất cân bằng trước những biến cố xúc cảm, tăng stress... Riêng về thể chất, đặc biệt là âm đạo, âm hộ, teo dần khiến hoạt động sex đau đớn, khó chịu, dễ mắc chứng loãng xương, gãy xương.
Nguyên nhân gây mãn kinh hàm chứa nhiều bí ẩn, nhưng chủ yếu vẫn là thay đổi về sinh học trong cơ thể. Từ độ tuổi 30 trở đi, trong cơ thể người phụ nữ bắt đầu suy giảm hormon estrogen. Estrogen có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sắc đẹp và sinh lý của phụ nữ. Estrogen do các tế bào hạt của buồng trứng tiết ra, gọi là nội tiết tố nữ. Estrogen giúp cho người phụ nữ có dáng hình mềm mại. Giữ nước và mỡ dưới da làm cho da người phụ nữ mềm mại. Estrogen làm phát triển các đặc tính sinh dục nữ như tăng sinh các mô ở cơ quan sinh dục như tăng sinh tuyến vú, làm cho vú to và chắc, kích thích mọc lông nách, lông mu,...
Đến độ tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon này sụt giảm dần dẫn đến tình trạng thiếu hụt hormon gây ra các triệu chứng kể trên.
Chẩn đoán và điều trị mãn kinh
Chẩn đoán mãn kinh dựa vào lâm sàng. Tiền mãn kinh có thể xuất hiện, nếu phụ nữ ở trong độ tuổi thích hợp và có một số các triệu chứng và dấu hiệu tiền mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh được xác nhận khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng và không có nguyên nhân rõ ràng nào khác. Khám vùng chậu được thực hiện, nếu teo âm hộ và âm đạo sẽ giúp cho chẩn đoán nhanh hơn.
Có thể xét nghiệm nồng độ FSH, nhưng xét nghiệm này hiếm khi cần thiết, ngoại trừ đã cắt bỏ tử cung và ở những phụ nữ trẻ hơn tuổi mãn kinh bình thường. Những phụ nữ sau mãn kinh nên được sàng lọc loãng xương, nhất là những người có nguy cơ gãy xương cao. Những người có tiền sử rối loạn ăn uống, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, sử dụng corticosteroid kéo dài, phẫu thuật nối tắt dạ dày, mắc bệnh Crohn, hội chứng kém hấp thu hoặc gãy xương do dễ gãy trước đó.
Về điều trị, theo các chuyên gia phụ khoa, hiện có một số cách điều trị phổ biến và hiệu quả như thay đổi lối sống, dùng thuốc bổ, liệu pháp hormone, các thuốc hoạt tính thần kinh. Về nguyên tắc, điều trị mãn kinh là điều trị triệu chứng như làm giảm cơn bốc hỏa và triệu chứng do teo âm hộ âm đạo. Điều trị cũng có tác dụng ngăn ngừa mất xương. Liệu pháp hormone là dùng estrogen, progesterone, hoặc kết hợp cả hai. Các phương pháp điều trị này có thể cải thiện giấc ngủ và chức năng tình dục. Thay đổi lối sống, áp dụng lối sống khoa học, tích cực, kết hợp dùng thuốc bổ sẽ có tác dụng giảm các triệu chứng….
Phòng ngừa rối loạn trong thời kỳ mãn kinh
Kết thúc giai đoạn tiền mãn kinh, bước sang giai đoạn mãn kinh, cơ thể nữ giới diễn ra nhiều thay đổi, rối loạn. Nếu biết cách phòng ngừa gì sẽ giảm thiểu được tối đa tình trạng này, nên trọng tâm tới:
· Cơ chế nghỉ ngơi, sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, hợp lý ngay sau khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
· Trọng tâm tới nhóm thực phẩm rau củ quả, thực phẩm giàu canxi, omega-6, omega-3 và vitamin D.
· Duy trì cuộc sống vận động, hạn chế tĩnh tại để giúp cho hệ xương deo dai.
· Nên dùng chất bôi trơn để giảm cảm giác đau khi quan hệ tình dục do khô teo âm đạo.
· Nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời bệnh phụ khoa và tầm soát bệnh ung thư phụ khoa, mất xương và gãy xương.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác