Nguyên tắc dinh dưỡng mùa nắng nóng
Trước tiên, mọi người cần hiểu rõ, nguyên tắc dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng là đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm. Cần ăn cái gì để giúp cơ thể bù lại sự ‘bốc hơi’ nước của cơ thể qua đường mồ hôi và hơi thở.
Điều cần làm đầu tiên là bù đủ nước cho cơ thể bởi mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng bị mất nước, khiến mệt mỏi, choáng, nhức đầu, khó thở... Nhất là trẻ em, người già và nhóm mắc bệnh mãn tính, sức khỏe kém. Nói cụ thể hơn, nước rất cần cho cơ thể khi nắng nóng. Riêng trẻ nhỏ do hiếu động, nghịch ngợm nên mồ hôi ra nhiều nhiều so với người lớn. Trong khi đó, cơ thể trẻ lại đang phát triển, chưa hoàn thiện, nên khả năng điều nhiệt kém, dễ mất nước và dễ mắc bệnh.
Ở nhóm người cao niên do mất nước vì nắng nóng , cơ thể chậm thích ứng với môi trường nên cũng dễ bị mệt mỏi, khó thở và một khi không bổ xung nước kịp thời nước sẽ dễ mắc bệnh hoặc các bệnh nền trở nên nặng hơn. Nếu đủ nước sẽ giúp cơ thể bù lại phần nước bị mất, đào thải độc tố, tăng cường tâm trạng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm mệt mỏi. Ngoài ra nước còn giúp giảm cân vì vậy mà người ta mới nói nước rất cần cho sự sống
Về ăn uống nên chọn nhóm thực phẩm bổ dưỡng để chống say nắng, cung cấp đủ dưỡng chất. Tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn, vì nó có hại hơn lợi, chứa đủ loại thành phần bất lợi. Chúng ta có thể thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm tươi, đồng thời cắt giảm lượng carb rỗng và đồ chiên rán. Nên ăn sáng đủ chất vì đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Vào mùa hè nếu dùng một bữa sáng cân bằng sẽ rất có lợi cho cơ thể. Nó tăng cường sự trao đổi chất và bắt đầu ngày mới, chống chọi với nóng bức, giảm mệt mỏi, làm việc hiệu quả hơn.
Kết hợp trái cây hoặc rau vào bữa ăn trong mùa hè.Trái cây và rau quả có chứa chất chống oxy hóa tự nhiên có lợi, khoáng chất và vitamin có tác dụng kỳ diệu cho cơ thể. Rau xanh, trái cây là thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn mùa hè. Rất đa dạng như rau muống, rau ngót, rau dền, rau mồng tơi nấu canh cua, canh bầu nấu với tôm, cà tím nấu bung… Bên cạnh rau xanh thì sử dụng nhiều trái cây cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Trái cây nên dùng là nhóm giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, đu đủ, dưa hấu… Các loại trái cây nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, như mít, xoài, vải, nhãn...
Tiêu chí tiếp theo là an toàn thực phẩm, nhất là khi mùa hè nóng nực, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác. Do nóng ẩm nên thực phẩm dễ bị ôi thiu. Vì vậy, cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống chín, chọn thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc. Thực hiện vệ sinh đúng cách, rửa tay trước khi chế biến, trước khi ăn. Tránh xa thực phẩm tái chín, nem chạo, tiết canh… Thực phẩm cần được bảo quản đúng, thực phẩm ăn thừa nên loại bỏ.
Bí quyết tiếp nhiệt cho cơ thể mùa hè cho nhóm người còn làm việc
Natri không phải là chất điện giải duy nhất mà cơ thể mất đi khi tập luyện, làm việc trong thời tiết nóng bức. Canxi, magiê và kali cũng phải được bổ sung để cơ thể hoạt động bình thường. Khi trời nóng, cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn để giữ nhiệt độ bên trong ở mức bình thường. Trong quá trình làm việc, cường độ trung bình đến cao trong hơn một giờ, sự mất mát chất điện giải qua mồ hôi trở nên đáng kể và tốc độ đổ mồ hôi quá nhanh để tái hấp thu chất điện giải, cần phải bổ sung chất dinh dưỡng đã mất.
Khi nhiệt độ tăng, sự thèm ăn thường giảm. Chỉ riêng chế độ ăn kiêng không thể cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nếu phải làm việc cường độ cao thì cần phải bổ xung lượng chất dinh dưỡng cao hơn.
Cơ thể tiêu hóa thức ăn khác nhau, tùy thuộc vào hàm lượng của thức ăn cụ thể. Một số loại thực phẩm thực sự có thể làm tăng hoặc giảm nhiệt độ bên trong cơ thể. Thực phẩm giải nhiệt bao gồm các sản phẩm tươi có hàm lượng nước cao, chẳng hạn như dưa chuột hoặc dưa hấu. Ví dụ như dưa hấu có tới gần 90% là nước nên rất dễ tiêu hóa và giải nhiệt cho cơ thể.
Thực phẩm làm nóng bao gồm thực phẩm giàu chất béo và rau củ. Những thực phẩm này cần nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa và tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Thực phẩm cay có thể được xem là cả làm ấm lẫn làm mát. Ví dụ, ớt cay kích thích hệ tuần hoàn và tăng nhiệt độ cơ thể. Thức ăn cay cũng có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi; nhưng khi mồ hôi bay hơi, nó sẽ làm mát da, giúp giảm nhiệt độ bên trong cơ thể.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác