Tính mạng đe dọa vì những món ăn khoái khẩu, độc lạ  

Thứ tư - 28/02/2024 14:53
Rất đa dạng như thịt sống, nem chạo hay tiết canh hoặc cả những món ăn đã được cảnh báo như thịt cóc, cá lóc… Mặt trái của những thực đơn này thật khó lường, nhất là trong bối cảnh an toàn thực phẩm ít được quan tâm như hiện nay.
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Trưởng khoa Khám bệnh
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Những ca bệnh có thật từ thực phẩm khoái khẩu

Trung tuần tháng 11/2023, BVĐK khu vực Long Khánh, Đồng Nai tiếp nhận và điều trị kịp thời cho 5 bệnh nhân bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng do sau khi ăn thịt cóc. Các bệnh nhân này là người cùng gia đình trú tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng bị nôn ói, tiêu lỏng, đau bụng. Cả 5 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm chất độc từ thịt cóc. Sau khi điều trị tích cực, tình hình 5 bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.

Trước đó, hồi tháng 9/2023 tại Thuận Nam (Ninh Thuận) đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá nóc khiến 1 người chết, 2 người nhập viện. Đó là ông Huỳnh Văn C. (35 tuổi), Đỗ Văn Ph. (34 tuổi, cùng ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná) và ông Đỗ Tài Tr. (35 tuổi, thôn 2, xã Nhị Hà) ra biển đánh bắt được một con cá nóc mú (khoảng 2kg). Sau đó, ba người mang cá về rẫy nhà ông Tr. (ở xã Vĩnh Tân) nấu canh chua ăn với cơm. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, cả ba người có các triệu chứng như tê môi, tê lưỡi, tê tay, tê chân, mệt, chóng mặt...

Hay người đàn ông ở Quảng Ninh đã ăn tiết canh giải đen cuối năm và phải trả giá bằng tính mạng. Đó là ông Mai Văn Minh, 61 tuổi ở TP.Hạ Long bị biến do nhiễm liên cầu lợn sau 2 ngày dự tiệc. Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khi đến viện, bệnh nhân Minh vẫn tỉnh, sốt 38,5 độ, tinh thần kích thích, xuất hiện nhiều ban hoại tử màu tím ở lưng, bụng và cẳng chân, đây là dấu hiệu điển hình của bệnh liên cầu lợn. 

Với các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn đông máu, huyết áp tụt 60/30mmHg, toan chuyển hóa nặng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn chủ yếu lây sang người qua đường tiêu hoá thông qua ăn tiết canh của lợn có mầm bệnh.

2. Mầm bệnh gây ngộ độc từ đâu ra?

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi số lượng các loại vi khuẩn cụ thể hoặc độc tố có trong thực phẩm mà con người ăn vào, nhóm vi khuẩn này được gọi là mầm bệnh. Riêng các loại cá, như cá nóc hay thịt cóc mầm bệnh (độc tố) thường có sẵn trong vật chủ.

Các loại thực phẩm có nguy gây ngộ độc cao bao gồm: Thịt sống , sản phẩm sữa như sữa trứng và các món tráng miệng làm từ sữa như bánh sữa trứng và bánh pho mát; trứng và các sản phẩm trứng; hải sản; salad đã chế biến sẵn ; cá nóc, lòng lợn tiết canh, nem chạo…

Người có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao gồm phụ nữ mang thai; người già; trẻ nhỏ; người mắc bệnh mãn tính; người có hệ tiêu hóa, miễn dịch yếu… Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm Các mầm bệnh như Salmonella, Campylobacter và E. coli có thể được tìm thấy ở động vật sản xuất thực phẩm của chúng ta. Cần phải cẩn thận trong quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản, chuẩn bị và phục vụ thực phẩm để giảm nguy cơ ô nhiễm.

Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể sinh sôi rất nhanh, đặc biệt trong một số điều kiện nhất định. Ngoài ra còn có yếu tố như chất  dinh dưỡng cho vi khuẩn phát triển như sữa và trứng, thịt, gia cầm và hải sản… Triệu chứng ngộ độc thực phẩm rất đa dạng có thể từ nhẹ đến rất nặng và xuất hiện vài giờ cho đến 5 ngày.

3. Khuyến cáo ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Có một số quy tắc đơn để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm như:

·       Tránh thực phẩm bị ô nhiễm; ngăn chặn vi khuẩn trong thực phẩm phát triển và nhân lên; mua thực phẩm rõ nguồn gốc, sạch .

·       Nên giữ thực phẩm nóng và thực phẩm lạnh riêng biệt. Loại bỏ  thực phẩm quá hạn sử dụng và luôn kiểm tra nhãn…

·       Khi chuẩn bị thức ăn nên rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô trước khi chuẩn bị thức ăn. Nên sử dụng dao, thớt riêng khi chế biến thực phẩm sống và chín.

·       Tách riêng thực phẩm sống và chín khi bảo quản.

·       Không bảo quản thực phẩm trong hộp thiếc đã mở nắp. 

Theo dân gian, thịt cóc là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em lười ăn, chậm lớn dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Tuy vậy, khoa học đã chứng minh, trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotoxin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu chế biến không đúng cách, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc rất nguy hiểm. Về thịt cóc, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là bufotoxin. Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn thịt cóc và các sản phẩm làm từ cóc . Nếu ăn chỉ nên ăn thịt cóc đã chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc. 

Biện pháp tốt nhất để ngừa ngộ độc hải sản là không ăn các loại hải sản chứa tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh… cũng như không tự ý chế biến và lưu trữ sản phẩm từ các loại hải sản chứa tetrodotoxin. Ngư dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá. Khi làm khô cá, nên kiểm tra kỹ lưỡng và loại bỏ cá nóc bị lẫn vào cá thường trước khi phơi khô. Không mua/bán chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác. Đối với thịt sống, nem chạo hay tiết canh, giới y khoa khuyến cáo mọi người nên tránh xa bởi các món ăn này tuy khoái khẩu như nguy cơ rất cao, hại nhiều hơn lợi. 
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?