Xơ gan là một bệnh lý khá nặng với nhiều biến chứng trầm trọng, có thể đe dọa mạng sống. Việc điều trị xơ gan có khi rất tốn kém nhưng mang lại ít hiệu quả, do vậy việc phòng ngừa xơ gan tiến triển là rất quan trọng
A. Xơ gan là gì?
Gan là một tạng rất quan trọng, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Khi gan bị viêm và hoại tử, tế bào gan dần dần được thay thế bằng mô xơ. Xơ gan xảy ra khi gan bị hư hại trong nhiều năm và khi tổ chức xơ gan được hình thành thì rất khó hồi phục. Tuy vậy, khi xơ gan được chẩn đoán sớm và được điều trị nguyên nhân thì có thể hạn chế các hư hại tiếp diễn. Nếu tình trạng viêm gan kéo dài, mô xơ được tạo ra ngày càng nhiều làm thay đổi và đảo lộn cấu trúc của gan. Lúc đó, gan không còn hoạt động tốt nữa và có biểu hiện suy chức năng gan. Xơ gan tiến triển có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh do xảy ra rất nhiều biến chứng.
B. Các nguyên nhân gây xơ gan
Có nhiều nguyên nhân gây xơ gan, trong đó hai nguyên nhân quan trọng nhất là:
Viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan virus B và C
Lạm dụng rượu, bia: Những người uống mỗi ngày từ 80g cồn trở lên (tương đương 01 lít rượu vang, 02 lít bia, 250ml rượu mạnh) trong một thời gian từ 5 - 10 năm có thể sẽ bị xơ gan. Đối với phụ nữ, chỉ cần 40 - 60g cồn mỗi ngày là có thể bị xơ gan
Gan nhiễm mỡ: có khoảng 20% số trường hợp gan bị thoái hóa mỡ (tức là ứ đọng mỡ trong các tế bào gan), gây viêm gan do mỡ và dần dần đến xơ gan.
Ngoài ra, xơ gan còn có thể gặp trong các trường hợp suy tim, tắc mật lâu ngày, viêm gan tự miễn, dùng dài hạn các thuốc độc hại cho gan hoặc do một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh như ứ đọng chất đồng (bệnh Wilson) hoặc chất sắt (bệnh ứ sắt mô).
Có đến 20% trường hợp xơ gan không tìm được nguyên nhân
C. Các triệu chứng của xơ gan
Gan có luôn có khả năng bù trừ rất tốt, tức là phần gan chưa bị chai cứng sẽ làm thay chức năng, nhiệm vụ cho phần gan đã bị tổn hại và chai cứng cho đến khi gan bị chai cứng trên 75% thì mới có biểu hiện bệnh rõ ràng. Trong giai đoạn đầu của bệnh, khi các nguyên nhân âm thầm tấn công lá gan, người bệnh thường không có dấu hiệu gì ngoài một vài biểu hiện như: ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, sụt cân; thậm chí có người lại biểu hiện bằng giảm ham muốn tình dục.
Đến giai đoạn sau, tức là khi bắt đầu có suy gan thì người bệnh có thể có các biểu hiện như: ngứa, da sậm màu, xuất hiện nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên da ngực trên lưng, trên cổ trên mặt, trên cánh tay hay còn gọi là nốt sao mạch, trên lòng bàn tay đỏ rực lên còn gọi là dấu hiệu bàn tay son, nước tiểu sậm màu, dễ bị chảy máu răng, máu mũi, da dễ bị bầm hơn khi va chạm, mắt và da bắt đầu vàng.Và trong giai đoạn nặng khi gan không còn khả năng bù trừ thì sẽ xuất hiện vàng da, vàng mắt, phù, bụng to và màng bụng có nước còn gọi là tràn dịch màng bụng.
D. Các biến chứng của xơ gan
Bệnh xơ luôn gây ra những biến chứng rất nguy hiểm đe dọa tính mạng, bao gồm các biến chứng sau:
Giãn to các tĩnh mạch ở thực quản, có thể gây vỡ và gây xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện ói ra máu hoặc tiêu phân đen.
Bệnh não do suy gan còn gọi là hôn mê gan, vì khi gan bị suy không thải lọc được các độc chất trong cơ thể nên gây ra tình trạng ngủ gà ngủ gật, lơ mơ mất ý thức, tay chân run rẩy.
Xơ gan lâu ngày có thể xuất hiện các khối u trên nền gan xơ gọi là xơ gan có biến chứng ung thư hóa.
Nhiễm trùng nước trong ổ bụng gây căng chướng bụng, đau bụng nhiều hoặc sốt.
E. Các khám nghiệm cần làm & chẩn đoán xơ gan
Dựa vào các triệu chứng ban đầu, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị xơ gan, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan tiến triển, kiểm tra hình ảnh gan, bao gồm:
Xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu ngoại biên, đông máu cơ bản và xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu, điện giải niệu nếu đã có cổ trướng
Xét nghiệm vi rút HbsAg, Anti HCV
Siêu âm bụng, chụp CT các lớp, chụp cộng hưởng từ gan để biết rõ mức độ tổn thương của gan
Soi thực quản dạ dày, kiểm tra giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày
Xét nghiệm sinh hóa, tế bào, sinh thiết gan
F. Điều trị xơ gan
Không có trị liệu nào chữa lành xơ gan, điều trị nhằm giúp làm chậm tổn thương gan và ngăn ngừa biến chứng và chờ ghép gan (nếu có thể).
Điều trị đặc hiệu
Là điều trị theo nguyên nhân gây bệnh
Viêm gan virus: dùng thuốc kháng virus viêm gan B hoặc C
Viêm gan tự miễn: corticoid + azathioprine
Bệnh Wilson: trientine + kẽm
Rượu: ngưng uống rượu.
Điều trị hỗ trợ
Không uống rượu và hạn chế hút thuốc lá.
Chống béo phì: tập thể dục, thay đổi lối sống.
Chủng ngừa viêm gan siêu vi: A, B; cúm.
Tránh dùng thuốc có hại cho gan
Chế độ dinh dưỡng: ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều đạm động vật, nên dùng chất béo chưa bão hòa, trái cây, rau quả. Tránh để táo bón.
Khi bị xơ gan, bệnh nhân cần lưu ý hai vấn đề sau:
1. Những điều nên làm
Chế độ ăn hợp lý, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn nhiều chất xơ để chống táo bón
Tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa
Tự theo dõi những biến chứng nặng tại nhà: tiêu phân đen, nôn ra máu, tiểu ít, sốt, chảy máu răng, đau bụng hoặc tri giác bất thường thì vào tái khám ngay
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, không nên gắng sức
2. Những điều nên tránh
Tránh dùng những thuốc hoặc hóa chất không rõ hoạt chất và cơ chế tác dụng. Không dùng thuốc theo truyền miệng trong dân gian
Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ
Thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn ( để lâu) hoặc nghi ngờ có tẩm hóa chất độc hại: hàn the, formol…
Thức ăn lên men: tương chao, mắm…
Thức ăn chưa nấu chín: thịt cá sống hoặc tái, cua sò ốc hến…
Nhiều chất béo, trứng, nội tạng động vật như gan, ruột
Không kiêng khem quá mức ở giai đoạn xơ gan còn bù
Không dùng rượu bia hay thức uống có cồn khác
Khi xơ gan nặng có báng bụng hay phù chân nên hạn chế mặn có nhiều muối, khi xơ gan mất bù thì hạn chế đạm
Không nên truyền dịch một cách tùy tiện nhất là dịch đạm, chỉ truyền dịch đạm chuyên biệt cho bệnh xơ gan
G. Phòng ngừa xơ gan
Như chúng ta đã thấy xơ gan là một bệnh lý khá nặng với nhiều biến chứng trầm trọng, có thể đe dọa mạng sống. Việc điều trị xơ gan có khi rất tốn kém nhưng mang lại ít hiệu quả, do vậy việc phòng ngừa xơ gan là rất quan trọng:
Giảm rượu tối đa
Chế độ ăn rau củ quả, thịt nạc, giảm mỡ động vật và các thức ăn chiên.
Duy trì cân nặng tốt, chống béo phì quá cân.
Đề phòng lây nhiễm viêm gan virus: kim tiêm, quan hệ tình dục. Đối với bệnh viêm gan virus B: nếu chưa từng bị nhiễm, nên đi tiêm vaccin phòng ngừa. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc tiêm ngừa viêm gan virus C.
Đối với những người đã nhiễm virus B và C mạn tính, cần theo doi người bệnh định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển. Nhờ vậy, có thể hạn chế được các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan hoặc có ảnh hưởng đến gan như suy tim, tắc mật...
Tham khảo thêm các bài viết hướng dẫn bảo vệ sức khỏe gan dưới đây:
Để được hỗ trợ tư vấn phòng ngừa, khám tầm soát và điều trị xơ gan, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh