Bệnh thoái hoá khớp là căn bệnh về xương khớp rất phổ biến với tần suất bệnh tăng theo đội tuổi. Trong đó hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối.
Bệnh thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng lão hóa hoặc tổn thương ở mức độ nặng nơi sụn khớp gối và xương dưới sụn. Kèm theo đó là các phản ứng sưng, viêm khớp gối, giảm dịch khớp dẫn đến sụn khớp hao mòn gây ra tình trạng cọ xát giữa xương đùi và xương chày, khiến bệnh nhân phải chịu những cơn đau buốt khi vận động, làm giới hạn vận động, biến dạng khớp gối, mất khả năng đi đứng bình thường.
Nguyên nhân của thoái hóa khớp gối
Hầu hết nguyên nhân của bệnh là do tuổi tác, bên cạnh đó còn do những tác nhân sau đây:
Yếu tố nội tiết: Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh là đối tượng dễ mắc bệnh hơn do nội tiết nữ bị suy giảm trầm trọng, làm giảm khả năng cung cấp chất dịch nhầy nuôi dưỡng sụn khớp.
Chấn thương: Khớp đầu gối bị tổn thương do tai nạn, ngã, va chạm,… nhưng không được điều trị triệt để sẽ gây thoái hóa khớp gối.
Sinh hoạt không đúng tư thế: Ngồi, đứng quá lâu tại một chỗ hoặc ngủ nghỉ sai tư thế sẽ gây áp lực cho khớp gối.
Lao động quá sức: Thường xuyên khuân vác đồ nặng, không nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến các khớp xương thoái hóa nhanh hơn.
Tập luyện sai cách: Tập quá sức, tập không đúng động tác sẽ gây tổn thương khớp gối.
Nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp gối khác: Thừa cân, lạm dụng các chất kích thích, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ,…
Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Triệu chứng tiêu biểu nhất của thoái hóa khớp gối là đau buốt thấu đến tận trong xương, đau khi ngồi xổm, đứng, đi bộ, đi lên xuống cầu thang hay vận động, đau giảm khi nghỉ ngơi. Đặc biệt là đau khe khớp gối bên trong.
Cử động gối nghe tiếng kêu lạo xạo hay lụp cụp trong khớp.
Đầu gối bệnh nhân bị sưng lên.
Khớp gối dần bị biến dạng, đa số bị vẹo vào trong. Trường hợp nặng đau nhiều khi ngủ, khớp gối không thể co duỗi được (do khớp gối vừa bị viêm vừa bị biến dạng khớp) hạn chế lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Chụp phim với tư thế đứng trên chân bị đau, sẽ thấy hình ảnh xơ đặc xương vùng khe khớp bên trong, nặng hơn có thể thấy hẹp khe khớp và các gai xương. Tiến triển lâu dài khớp gối sẽ bị hư hoàn toàn và biến dạng vẹo vào trong.
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối.
Thoái hóa khớp gối nặng có thể phải phẫu thuật, như nội soi khớp gối, cắt xương sửa trục khớp gối, thay mặt khớp gối nhân tạo...
Tuy nhiên, điều trị bao giờ người thầy thuốc cũng nghĩ đến đầu tiên là khuyên người bệnh thay đổi chế độ sinh hoạt, giảm thể trọng ( nếu thừa cân).
Chỉ định vật lý trị liệu qua các bài tập cùng các điều trị hỗ trợ như laser, sóng ngắn, siêu âm...