Thay đổi về da ở phụ nữ giai đoạn thai kỳ

Thứ hai - 05/06/2023 13:31
Một trong những thay đổi về da phổ biến nhất ở phụ nữ thai kỳ là rạn da khi mang thai. Nhiều phụ nữ bầu bí đặt câu hỏi vì sao có người bị, người không? Bài viết dưới đây cung cấp những ý chính về chủ để này , đặc biệt là các vết nứt quanh vùng bụng, hông và đùi.
bs ho thi hai van (2)
BSCKI. HỒ THỊ HẢI VÂN
Chuyên khoa Phụ sản
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Đôi điều về rạn da

Theo giới da liễu, khi mang thai, rạn da (stretch marks) là một trong những hiện tượng khá phổ biến, không nan y, chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp làn da, đôi khi tạo ra sự mặc cảm cho không ít các bà mẹ trẻ.  Mặc dù không mong muốn song có tới 80 đến 90% phụ nữ mang thai bắt gặp tình trạng này, đặc biệt là trong và sau thai kỳ. Các vết rạn này còn được gọi là vân, thực chất là các lớp mô sẹo hình thành ở lớp hạ bì sâu hơn của da. Rạn da phát triển ở những vùng mà cơ thể giãn nở nhanh hơn so với lớp da bao phủ. Điều này gây ra những vết rách bên trong lớp hạ bì và khi những vết rách này lành lại, tạo thành những vết sẹo mỏng được gọi là vết rạn da.

Mang thai ở tuổi quá trẻ cũng có thể khiến các bà mẹ trẻ bị rạn da. Ngoài ra, với phụ nữ đa thai, hai đến ba em bé, thì khả năng bị rạn da cao hơn do da phải giãn nở nhiều để có đủ “room” cho em bé. Khi mới hình thành, những vết rạn da thường dài 5-10mm với kích cỡ khác nhau. Tuy không gây đau, nhưng do da bị kéo căng nên có thể gây sẩn ngứa trong quá trình mang thai.

Vết rạn da khi mang thai hơi khác một chút so với vết rạn da bình thường theo hai cách. Thứ nhất, chúng rất có thể xuất hiện ở vùng bụng, nơi em bé đang lớn nhanh và có thể trở nên ngứa ngáy, khó chịu do da bị căng ra nhiều.

Thứ hai, theo một số chuyên gia, vết rạn da và hormone thai kỳ có mối liên hệ với nhau theo một cách nào đó. Lý thuyết cho rằng hormone thai kỳ thu hút nhiều nước hơn vào da, làm giãn các liên kết giữa các sợi collagen trong da. Điều này khiến da dễ bị rách khi bị kéo căng, dẫn đến các vết rạn da nổi rõ hơn.

Khác với những gì mong đợi, các vết rạn da không chỉ xảy ra giai đoạn sau của thai kỳ mà có thể bắt đầu phát triển sớm, ngay từ ba tháng đầu của thai kỳ do lượng hormone tăng nhanh. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện nhiều nhất vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ.

2. Phân biệt các rạn đỏ, trắng hoặc tím

Như đề cập ở trên, do sức khỏe hay cơ địa của từng người mà rạn da cũng không đồng nhất. Có người bị, người không, và vị trí cũng không đồng nhất.  Theo giới da liễu, thông thường các vết rạn da thay đổi hình dạng và màu sắc theo thời gian. Khi mới hình thành, chúng thường có màu đỏ và ngứa với vùng da xung quanh có vẻ phẳng và mỏng. Trong một số trường hợp, lại có màu sẫm và dày lên theo thời gian khi các mô sẹo trưởng thành. Tin tốt là cuối cùng một vài tháng sau khi sinh, chúng mờ dần và chuyển sang màu trắng hoặc bạc xỉn.

 Màu sắc cũng đa dạng như có màu sáng hơn vùng da xung quanh dễ nhận biết. Các mẹ có làn da trắng, vết rạn da thường là hồng nhạt, ngược lại nếu da tối màu, ngăm đen, vết rạn sẽ có màu sáng hơn vùng da xung quanh. Các mẹ mang thai lần đầu các vết rạn có màu hồng, đỏ hoặc đôi khi là màu hồng tím, sau đó chuyển dần sang trắng sau khi sinh. Nhưng ở lần sinh thứ hai, vết rạn thường nhạt màu dần, giống như màu da gốc.

3. Giải pháp ngăn ngừa và xử lý rạn da

Theo giới da liễu, thực tế, không có cách nào để ngăn ngừa rạn da, cho dù dùng bất cứ một loại kem dưỡng da hay kem dưỡng ẩm nào. Tuy nhiên nhận biết sớm và sử dụng kết hợp các sản phẩm mát-xa và điều trị, có thể không ngăn ngừa được hoàn toàn, nhưng có thể giảm sự xuất hiện của các vết rạn.

Trước tiên, nên giữ da luôn có độ ẩm cần thiết với các loại kem dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm Xoa bóp kem, dầu vào các vết rạn da sẽ không làm cho các dấu hiệu biến mất. Sử dụng kem  sẽ giúp làn da mịn màng và săn chắc hơn. Không nhất thiết phải sử dụng các loại kem hoặc dầu đắt tiền. Kem dưỡng da có nguồn gốc từ vitamin A, chẳng hạn như tretinoin (Retin-A), có thể có tác dụng nhỏ đối với các vết rạn da.

Theo năm tháng, các vết rạn sẽ mờ dần thành các vệt mịn gần với màu da của bạn hơn. Và sau khoảng một năm mọi thứ sẽ mờ dần. Các mẹ bầu có thể thử thực hiện các bài tập hoạt động, thể dục trên các khu vực có vết rạn da của cơ thể, giúp cải thiện làm làn da sáng lên. Nên kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với cuộc sống vận động thể chất đều đặn không chỉ hữu ích cho sức khỏe chung mà còn giúp cho làn da mẹ bầu tươi sáng, săn chắc hơn.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?