Điểm mặt những ca nhồi máu cơ tim cấp xuất hiện gần đây
Mới đây, Khoa Nội tim mạch, - BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành can thiệp cứu sống nam thanh niên 33 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp. Đó là thanh niên mới 33 tuổi tên N.T.H. ngụ tại Phương Đông – Uông Bí nhập viện do đau tức từng cơn ngực trái, nhất là khi vận động mạnh. Khai thác tiền sử được biết, trước đó bệnh nhân chưa hề mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp nhưng lại có hút thuốc lá trong nhiều năm. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim cấp.
Sau khi tiến hành chụp mạch cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Các bác sĩ đã tiến hành đặt stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, sức khỏe ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực và được xuất viện về nhà.
Một trường hợp khác, chiều ngày 25/4/2023 mới đây, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cấp cứu một trường hợp 59 tuổi ở Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 4. Được biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuy nhiên không có tiền sử bệnh lý tim mạch. Chuyện bắt đầu khi bệnh nhân xuất hiện đau rát ngực trái, vã mồ hôi, trong lạnh ngoài nóng, da tái xanh…bệnh nhân đã xin nghỉ sớm để về nhà nghỉ ngơi.
Nhưng khi về nhà, bệnh ngày càng nặng hơn, nên đã được gia đình chuyển cấp cứu đến BVĐK khoa tỉnh Tuyên Quang. Kết quả chụp mạch vành cho thấy nhánh RCA hẹp 99% và do nhập viện giờ thứ 4 nên có nguy cơ ngừng tim rất cao. Kíp can thiệp đã khẩn trương từng giây từng phút chạy đua với thời gian, nhanh chóng đặt 01 stent mạch vành thành công, cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân đang dần hồi phục, hết đau ngực... và tiếp tục được theo dõi và điều trị ngay tại BV này.
Đôi điều về nhồi máu cơ tim cấp là cách phòng tránh
Nhồi máu cơ tim cấp (Acute Myocardial Infarction), viết ngắn AMI là hoại tử cơ tim do tắc nghẽn động mạch vành. Các triệu chứng gồm cảm giác khó chịu ở ngực, khó hoặc không khó thở, buồn nôn và/hoặc toát mồ hôi. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngừng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.
Nhóm người có rủi ro mắc bệnh cao gồm nhóm nghiện hút thuốc lá; căng thẳng quá mức; gắng sức; viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn, sau chấn thương, phẫu thuật… Cơn đau thắt xảy ra, khiến người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg. Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau, trong khi một số đau nhẹ, người thì đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Cách xử lý bệnh AMI
Các xét nghiệm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm điện tâm đồ (ECG), xét nghiệm máu; chụp X-quang lồng ngực, siêu âm tim , chụp mạch vành….
Về sơ cứu nên đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng. Gọi cấp cứu hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện. Ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR), tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống. Điều trị nhồi máu cơ tim cấp có nhiều loại và theo phác đồ cụ thể của bác sĩ . Ngoài ra có thể phẫu thuật bắc cầu động mạch vành; điều trị lâu dài sau nhồi máu cơ tim cấp.. Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần được điều trị và chăm sóc lâu dài để tránh tái phát và biến chứng về sau. Điều trị tích cực các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Trong thời gian hồi phục sau khi xuất viện, bệnh nhân nên tránh hoạt động quá sức , mang vác vật nặng... khoảng một vài tháng, tránh hồi hộp, căng thẳng, xúc động mạnh. Bác sĩ sẽ gặp lại bệnh nhân sau vài tuần để theo dõi và tra cứu xét nghiệm thêm. Đa số bệnh nhân sẽ phải tiếp tục dùng thuốc điều trị tránh bị nhồi máu cơ tim lần nữa và những bệnh tương tự như tai biến mạch máu não.
Phòng ngừa bệnh AMI là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường sôi động như hiện nay. Cụ thể :
· Thay đổi lối sống là điều cần làm xuyên suốt quá trình điều trị
· Tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì
· Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt
· Không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào;
· Nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt; Ăn cá hoặc thịt gà thay cho thịt heo, thịt bò
· Tránh căng thẳng, luyện tập thư giãn.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác