Cơn đau tim thầm lặng và cách xử trí

Thứ sáu - 26/07/2024 09:49
Mọi người thường không biết bản thân mắc bệnh đau tim thầm lặng cho đến khi được phát hiện ra tổn thương tim. Vậy cơn đau tim thầm lặng là gì và cách xử trí ra sao?
BS Đạt
ThS.BS. TRẦN TẤN ĐẠT
Chuyên khoa Tim mạch – Lão khoa
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Cơn đau tim thầm lặng là gì?

Một cơn đau tim được gọi là “thầm lặng” khi không có triệu chứng, các triệu chứng nhẹ hoặc những triệu chứng mà mọi người không liên tưởng đến cơn đau tim nên bệnh này còn được gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Thông thường, cục máu đông gây ra cơn đau tim bằng cách ngăn máu chảy qua một trong các động mạch vành.

Nói ngắn gọn, mảng bám chứa cholesterol tích tụ trong động mạch vành gây cục máu đông, ngăn máu giàu oxy đi đến cơ tim. Cơn đau tim có thể xảy ra khi đang ngủ hoặc thức, nhất là ở nhóm thường xuyên căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần; đang hoạt động thể chất ngoài trời khi trời lạnh… Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.

2. Làm sao tôi biết được đang bị đau tim thầm lặng ?

Giống như tất cả các cơ của cơ thể, trái tim cần đủ máu để thực hiện công việc của mình. Máu được truyền qua các động mạch lớn nhỏ đến cho cơ tim. Khi các động mạch này (được gọi là động mạch vành) bị tắc do mảng bám và cục máu đông, tim sẽ không nhận đủ oxy và dẫn đến đau tim.

Các cơn đau tim có thể  xuất hiện dữ dội và đột ngột. Tuy nhiên, hầu hết các cơn đau tim xuất hiện từ từ khi bắt đầu với các dấu hiệu điển hình như: Một là khó chịu ở vùng ngực, gần phần trung tâm và kéo dài chỉ vài phút một lần. Người bệnh thường chỉ cảm thấy hơi khó chịu. Cũng có người cảm thấy đau nhói, đau ở ngực hoặc cảm giác nặng ở ngực. Hai là khó chịu ở vùng khác, cơn đau lan ra lưng, một hoặc cả hai cánh tay, dạ dày hoặc vùng cổ.

Ba là khó thở. Đôi khi đây có thể là triệu chứng duy nhất khi bạn bị đau tim. Bốn, các  triệu chứng khác như toát mồ hôi lạnh hoặc cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Ở phụ nữ khác, ngoài đau ngực còn kèm thêm các triệu chứng khác như đau lưng, buồn nôn và nôn, khó thở hoặc đau ở hàm. Riêng nhóm người có tiền sử bệnh tim, bị tiền sản giật khi mang thai, phụ nữ đã mãn kinh hoặc trên 55 tuổi thường có rủi ro cao hơn.

3. Chẩn đoán và xét nghiệm

Thông thường, cơn đau tim thầm lặng được chẩn đoán vài tuần hoặc vài tháng sau đó bằng cách kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ (ECG/EKG), chụp động mạch vành, chụp CTscan, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm tim.

Do thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng nên nếu bị đau tim, dù có triệu chứng hay không, vẫn cần phải điều trị. Ngoài các trường hợp cần phẫu thuật, điều trị nội khoa và thay đổi lối sống là biện pháp cần được áp dụng. Bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc giảm đau và làm tan hoặc ngăn ngừa cục máu đông bằng cách thực hiện nong mạch vành để mở mạch máu quá hẹp hoặc bị tắc.

Về thuốc, bác sĩ có thể kê đơn dùng các thuốc điều trị như aspirin chống kết tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim để tim không phải làm việc quá sức và nhờ đó giảm huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giãn mạch máu để huyết áp có thể hạ xuống và tim sẽ không phải làm việc vất vả. Thuốc hạ cholesterol, làm giảm mức cholesterol toàn phần và LDL. Giảm cholesterol có thể thực hiện cả trong chế độ ăn uống của người bệnh.

4. Phòng ngừa biến chứng

Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của thiếu máu cơ tim thầm lặng, người bệnh cần: tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu điều trị phẫu thuật, cần tuân thủ đầy đủ các lưu ý trước, trong và sau phẫu thuật để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Ngoài ra, người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh.

Về ăn uống cần tránh ăn nhiều chất béo có hại như mỡ, nội tạng động vật; hạn chế ăn thịt đỏ (thịt heo, thịt bò…), thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh…; thay vào đó nên sử dụng đạm từ thực vật hoặc đạm dễ tiêu như thịt gia cầm, cá…; tăng cường trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt.

Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày là giải pháp giúp tăng lưu thông máu đến nuôi dưỡng cơ tim và các cơ quan trong cơ thể. Riêng người bệnh tim mạch nên tập luyện điều độ mỗi ngày với những bộ môn phù hợp và cường độ thích hợp như đi bộ mỗi 30-60 phút/ngày, đạp xe, bơi lội… Nên tránh xa hút thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động), hạn chế uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích…

Những người mắc bệnh đái tháo đường nên luyện tập, ăn uống và dùng thuốc khoa học để kiểm soát đường huyết, nếu bị cao huyết áp, mỡ máu, men gan… nên điều trị đồng thời các bệnh này, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng tim mạch.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?