1. Đại cương về thuốc bổ não
Kinh tế thị trường sôi động, không ai muốn mình tụt hậu nên đã cố gắng hết sức và hậu quả, ngoài “đánh đổi” cơ thể để có mọi thứ, con người phải hứng chịu những hệ lụy thể chất, tinh thần, tăng stress, suy nhược thần kinh, những triệu chứng đau đầu, chóng mặt, stress, nhức mỏi, bệnh về não,…Vì vậy, não bộ luôn cần duy trì một lượng dinh dưỡng cao để có thể giúp chúng ta đạt năng suất khi học tập và làm việc.
Thuốc bổ não hay dưỡng não (Brain tonics) thường ở dạng viên hoặc dịch lỏng, được bán dưới dạng thực phẩm chức năng nhằm bảo tồn hoặc tăng cường trí nhớ và các chức năng nhận thức khác. Hầu hết các loại thuốc bổ này chứa hỗn hợp của các thành phần như vitamin, khoáng chất, thảo mộc, axit amin và các chất chiết xuất tổng hợp hoặc tự nhiên khác.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bổ não khác nhau. Đa phần, có chứa các thành phần dược thảo, được chiết xuất từ lá cây bạch quả, rễ đinh lăng cho đến các vitamin các loại như vitamin B6, B5, B12, B1, B2,… cho đến các thành phần khác quan trọng đối với cơ thể và đặc biệt là não, tăng tính dẫn truyền của các xung thần kinh để giúp cải thiện trí nhớ. Thuốc bổ não rất đa dạng như thực phẩm dưỡng sinh (gọi chung là thuốc bổ) và thực phẩm tự nhiên, tức những thứ chúng ta ăn uống hàng ngày.
2. Lợi thế thuốc bổ não khi dùng đúng cách
Dựa trên vai trò và hoạt động của não, các loại thuốc bổ não giúp tăng cường khả năng tuần hoàn não. Mục đích là giúp máu lưu thông lên não, cung cấp dinh dưỡng và oxy cho não tốt hơn. Hỗ trợ các khả năng an thần, giảm căng thẳng, lo âu. Đặc biệt với đối tượng làm việc nhiều, mệt mỏi… Ngoài ra, nó còn giúp hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, giảm rối loạn tiền đình.
Ví dụ thuốc bổ não Ginkgo biloba, được chiết xuất từ lá cây Bạch quả có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, cải thiện và tăng cường trí nhớ, chống các gốc tự do và ổn định màng não. Thuốc Cinnarizin giúp tăng lưu thông oxy lên não, giảm tính co mạch máu hay thuốc Saponin (hợp chất có nhiều trong các loại sâm và rễ đinh lăng) hay các loại vitamin giúp giúp tăng cường sinh lực, trí lực, chống suy nhược thần kinh, tăng cường trí nhớ.
Sử dụng thuốc bổ não hợp lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ cơ địa, thể trạng, sức khỏe, sự mẫn cảm, độ tuổi, nghề nghiệp… Nếu đã bị suy nhược thần kinh trước đó thì nên chọn loại thuốc phù hợp và dùng đúng như chỉ dẫn mới hiệu quả. Trong trường hợp khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, không xuất hiện những triệu chứng như hoa mắt, suy giảm trí nhớ, đau nhức, tê chân tay,… thì không nhất thiết phải sử dụng thuốc, duy trì lối sống khoa học, trọng tâm đến vận động, ăn uống lành mạnh, đủ chất như trường hợp học sinh sắp đến kỳ thi chẳng hạn. Nhóm người này nên uống viên uống bổ não DHA 1000mg nhất là trước các kỳ thi, DHA giúp hỗ trợ tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.
Bên cạnh thuốc dưỡng não, chúng ta không quên tăng cường thực phẩm tự nhiên, đây là nguồn thuốc bổ vô tận không chỉ tốt cho trí não mà còn tốt cho sức khỏe chung. Theo giới dinh dưỡng 12 loại thực phẩm giúp tăng cường chức năng não có các loại cá béo, sôcôla đen, nhóm quả mọng, các loại hạt, các loại ngũ cốc, cà phê (ít cafein), bơ, đậu phộng, trứng, bông cải xanh, cải xoăn, đậu nành và thuốc bổ...
3. Thuốc bổ não gây hại gì khi dùng sai cách?
Sử dụng các loại thuốc bổ não không có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ với liều lượng không hợp lý, lạm dụng có dẫn đến một số tác dụng phụ như phát ban dị ứng với các thành phần của thuốc, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, đánh trống ngực, buồn nôn, buồn ngủ, nôn mửa,…Đối với những người có tiền sử mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh tiểu đường, rối loạn đường ruột, rối loạn thần kinh và các bệnh lý về da. Đơn cử, một số thuốc dưỡng não tương tác khiến nồng độ insulin bất ổn ảnh hưởng đến việc điều trị tiểu đường, tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng chung với những thuốc giúp chống đông máu hay một số thuốc kháng sinh.
Một số loại thuốc dưỡng não tuy tốt nhưng không được khuyến nghị dùng cho những người thường điều khiển các phương tiện giao thông vì nó gây buồn ngủ không cưỡng được, run tay, tăng phản xạ, rối loạn vận động,… Tác dụng phụ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu dùng thuốc dài kỳ. Ngoài ra, khi dùng thuốc bổ não đối với những bệnh nhân nhạy cảm hay dị ứng với thành phần của thuốc, như bệnh nhân động kinh cũng cần tư vấn kỹ bác sĩ.
Giống như các loại dược phẩm khác, thuốc dưỡng não phát huy được tác dụng tối đa nếu dùng đúng, hợp với cơ địa, giải quyết các vấn đề về sức khỏe não bộ mà người dùng cần. Vì vậy để hiểu rõ sức khỏe não bộ để dùng thuốc đúng nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ.
Cũng phải nói thêm rằng, thiếu máu não là một trong những bệnh có thể gây ra nhiều nguy hiểm, chúng ta không nên coi thường hay chủ quan, cũng không nên quá lo lắng mà tự ý sử dụng thuốc điều trị, phòng ngừa. Việc sử dụng thuốc gì, như thế nào, kể cả thuốc bổ hay thực phẩm chức năng đều cần sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Và nếu muốn bảo vệ, phòng ngừa, mọi người nên khám sức khỏe tổng quát, khám định kỳ là cách làm tốt nhất mà lâu nay giới y khoa khuyến cáo mọi người nên làm.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác