Săn sóc sau phẫu thuật cắt tuyến giáp qua nội soi

Thứ bảy - 12/01/2019 08:13
Bướu tuyến giáp là một bệnh lý phổ biến trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, từ năm 1996, phẫu thuật tuyến giáp không còn giới hạn ở kỹ thuật mổ mở truyền thống mà được phát triển bởi kỹ thuật nội soi với nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, không để lại sẹo xấu gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp của người bệnh.
bsvietthanh minhanh
ThS.BS. Nguyễn Văn Việt Thành

Tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý bướu tuyến giáp đã được triển khai từ năm 2004. Trong thời gian đầu, phẫu thuật nội soi tuyến giáp chỉ dừng lại ở việc bóc nhân hay cắt thùy giáp trong các trường hợp bướu giáp đơn nhân có kích thước nhỏ. Cho đến nay, chỉ định điều trị được mở rộng, áp dụng cho bướu giáp đa nhân 2 thùy, các trường hợp cường giáp, basedow ổn và ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm. Tùy theo thương tổn, bệnh nhân được cắt một thùy hoặc cả hai thùy của tuyến giáp. So với kỹ thuật mổ mở truyền thống, phẫu thuật tuyến giáp qua nội soi có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ. Săn sóc hậu phẫu tốt là một trong những khâu quan trọng giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Việc săn sóc sau phẫu thuật cắt tuyến giáp nội soi tập trung vào các vấn đề sau:

1. Đánh giá hiệu quả phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tuyến giáp qua nội soi cũng như mổ mở truyền thống đều nhằm mục đích là lấy đi phần tuyến giáp bệnh lý. Trong phẫu thuật tuyến giáp nội soi điều trị bệnh phình giáp hạt, hiệu quả phẫu thuật thường được đánh giá qua việc còn sót nhân giáp sau mổ hay không. Vấn đề trên chủ yếu được khảo sát qua thăm khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp sau mổ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm sót nhân giáp sau mổ với nhân giáp tái phát. Người ta định nghĩa rằng sót nhân giáp sau mổ là tình trạng phình giáp hạt (đơn hạt hoặc đa hạt) đã có từ trước mổ và khi mổ không lấy hết được các hạt giáp dẫn đến hậu quả còn lại 1 hoặc nhiều hạt giáp sau mổ. Nhân giáp tái phát là tình trạng bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt sạch các nhân giáp đã có nhưng sau 1 thời gian, phần tuyến giáp còn lại xuất hiện các hạt giáp tân sinh.

2. Tầm soát các tai biến, biến chứng

Cũng như mổ mở, phẫu thuật tuyến giáp nội soi có thể gặp một số tai biến, biến chứng trong và sau khi mổ. Vì thế, sau phẫu thuật, bệnh nhân được thăm khám kỹ càng để tầm soát các tai biến, biến chứng phẫu thuật. Các biến chứng được chia làm 2 nhóm: sớm và muộn. Các biến chứng sớm thường xảy ra ngay hoặc trong vòng một và ngày sau mổ trong khi các biến chứng muộn có thể xuất hiện sau vài tháng. Trong nhóm biến chứng sớm, các vấn đề được tầm soát: cơn bão giáp, chảy máu sau mổ, tổn thương thần kinh quặt ngược thanh quản và thần kinh thanh quản trên, tổn thương các tuyến cận giáp, nhiễm trùng. Trong nhóm biến chứng muộn, các vấn đề được tầm soát: suy giáp do phần tuyến giáp lành còn lại không đảm bảo được chức năng cần thiết, u giáp tái phát, cường giáp tái phát.

3. Săn sóc hỗ trợ giúp bệnh nhân mau hồi phục

Với đặc điểm ít xâm lấn, các điều trị hỗ trợ sau mổ cho bệnh nhân được phẫu thuật tuyến giáp nội soi khá đơn giản. Về kháng sinh, đây là một phẫu thuật sạch nên có thể không cần dùng kháng sinh sau mổ. Kháng sinh chỉ được khuyến cáo trong các trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như người bệnh có kèm bệnh lý đái tháo đường. Giảm đau sau mổ đường tiêm chỉ cần trong 1 – 2 ngày sau mổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang dùng giảm đau đường uống. Về dinh dưỡng, bệnh nhân có thể ăn uống lại sau khi về phòng bệnh. Chế độ ăn gần như bình thường và không khác so biệt với trước mổ. Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật nội soi tuyến giáp đều được đặt ống dẫn lưu. Ống dẫn lưu này được rút bỏ sau 24 giờ sau mổ. Khác đường mổ dài ở vùng cổ trong mổ mở, bệnh nhân được phẫu thuật tuyến giáp nội soi chỉ có 3 vết mổ nhỏ với độ dài từ 0.5 – 1 cm. Vì thế, việc chăm sóc vết mổ đơn giản hơn nhiều và chỉ được cắt sau mổ 7 ngày. Cuối cùng, bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng 48 – 72 giờ sau mổ.

4. Theo dõi định kì

Sau khi xuất viện, người bệnh được hẹn tái khám và theo dõi định kì với các mục đích sau:

- Tái khám sau 7 ngày, để cắt chỉ, tầm soát lần cuối các biến chứng sớm nếu có và cho người bệnh biết kết quả giải phẫu bệnh của khối u tuyến giáp đã cắt

- Tái khám định kì sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, để tầm soát các biến chứng muộn để có các bước điều trị kịp thời và thích hợp.

Nguồn tin: Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?