Những câu hỏi cần hiểu rõ trước khi dùng thuốc chữa bệnh

Thứ tư - 14/08/2024 10:52
Ngoài tác dụng trị chữa bệnh, thuốc còn để lại những hệ lụy ngoài mong muốn, nhất là khi dùng tùy tiện, không theo hướng của bác sĩ. Để mang lại hiệu quả cao nhất, những câu hỏi dưới đây mọi người cần nắm rõ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
 
31
DS. NGUYỄN HUY PHÚC
Phó khoa dược Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Dùng thuốc có lợi ích gì?

Thuốc hoạt động theo những cách khác nhau. Một số có thể làm giảm một hoặc nhiều triệu chứng và giúp ngăn ngừa bệnh cũng như giảm biến chứng. Trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào nên hỏi bác sĩ về lợi ích, đặc biệt là tác dụng để tránh nhầm lẫn.

2. Tác dụng phụ của thuốc là gì?

Tác dụng phụ là tác dụng không mong muốn của thuốc. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng không phải ai cũng gặp phải chúng. Điều quan trọng là phải nhận thức được tác dụng phụ của thuốc mình sắp uống để biết cách xử trí. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về tác dụng phụ thường gặp, tác dụng phụ nghiêm trọng. Tất cả những thông tin về các tác dụng phụ đều được nêu trong bảng hướng dẫn kèm theo thuốc kê đơn, nếu chưa rõ cần hỏi lại bác sĩ.

3. Điều gì sẽ xảy ra khi dùng thuốc opioid ?

Thuốc opioid là nhóm có tác dụng giảm đau hiệu quả đặc biệt để giảm đau với những bệnh nhân bị ung thư. Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid trong một thời gian dài. Mọi người có thể quyết định không dùng thuốc opioid mà bác sĩ đã kê đơn. Đây là quyền của mỗi người vì vậy hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ điều gì sẽ xảy ra nếu không dùng thuốc, đặc biệt cân nhắc giữa cái được và mất. Đây là nhóm thuốc chỉ dùng "khi cần thiết" để giảm đau chứ không phải là giải pháp lâu dài.

4. Mất bao lâu để biết được thuốc có tác dụng ?

Một số loại thuốc, kể cả thuốc giảm đau, có tác dụng gần như ngay lập tức. Những loại khác, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, có thể mất vài tuần trước khi nhận thấy sự khác biệt. Trước khi bắt đầu dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ khi nào thuốc có tác dụng và có tác dụng bao lâu và làm thế nào biết được thuốc có tác dụng hoặc không tác dụng.

Thông thường khi chúng ta nuốt một viên thuốc vào,  thuốc sẽ di chuyển vào dạ dày và được dạ dày tiết ra dịch để hòa tan thuốc. Ở thời điểm này, một số loại thuốc được hòa tan tại đây sẽ được dạ dày hấp thụ luôn, còn các loại khác được di chuyển tới ruột non.

Tiếp theo đó thuốc sẽ đi vào hệ tuần hoàn, mô và các tế bào của cơ thể. Khi thuốc đi vào đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não và quá trình chuyển hóa được diễn ra nhanh chóng. Điểm cuối cùng tiếp nhận đó chính là gan và thận. Hai bộ phận này sẽ làm nhiệm vụ lọc, bài trừ để thải ra ngoài, các chất độc hại sẽ được xử lý kỹ lưỡng và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.

5. Ngoài thuốc ra còn có lựa chọn điều trị nào khác?

Khi phải dùng đến thuốc cần phải suy nghĩ về lợi ích và rủi ro của từng lựa chọn điều trị. Chi phí của thuốc hoặc phương pháp điều trị cũng có thể rất khác nhau nhưng nếu có kiến thức sẽ  giúp giảm chi phí nhờ đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Trong một số trường hợp, thuốc có thể không phải là phương pháp duy nhất hoặc tốt nhất để cải thiện tình trạng của bạn. Đôi khi thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, giảm cân (nếu đang thừa cân hoặc béo phì) và hoạt động thể chất, có thể là phương pháp điều trị hiệu quả, như vật lý trị liệu, tư vấn hoặc phẫu thuật.

6. Tôi có thể uống rượu trong khi dùng thuốc không?

Rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc. Điều này có thể thay đổi cách thức rượu và thuốc ảnh hưởng đến cơ thể và giảm tác dụng của thuốc ngay cả khi chỉ uống một lượng nhỏ rượu mỗi ngày.

Nếu uống rượu trong khi dùng thuốc, có thể những ảnh hưởng ngắn hạn hoặc dài hạn. Tác dụng ngắn hạn bao gồm tăng tác dụng của rượu (say hơn) hoặc tăng tác dụng của thuốc (bao gồm cả tác dụng phụ). Hậu quả có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe, làm việc an toàn hoặc chăm sóc trẻ em. Các biến chứng lâu dài của việc trộn thuốc và rượu có thể bao gồm tổn thương gan, các vấn đề về tim, khó thở hoặc trầm cảm. Nếu muốn  uống rượu, hoặc các chất kích thích khác, nhất thiết phải hỏi bác sĩ về những tương tác có thể xảy ra giữa rượu và thuốc.

7. Tôi có thể dùng lại đơn thuốc cũ hay dùng đơn của người khác có cùng bệnh?

Hiện có rất nhiều người có thói quen ngại đi khám, dùng lại đơn thuốc cũ hay đơn của người khác nhưng theo y khoa thì không nên. Lý do các bệnh lý khác nhau, cơ địa mỗi người mỗi thời điểm khác nhau thì dùng thuốc cũng khác nhau, vì vậy mọi người bắt buộc phải đến cơ sở y tế để khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới phù hợp.

Với các bệnh lý mạn tính thì cần theo dõi lâu dài, bác sĩ có thể cho đơn thuốc dùng trong cả tháng. Tuy nhiên, sau khi  hết thuốc, người bệnh cần mang theo đơn cũ khi tái khám để đánh giá lại mức độ đáp ứng thuốc và tình trạng sức khỏe cụ thể. Nếu bệnh ổn định hoặc tiến triển tốt, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc cũ, liều cũ hoặc giảm liều. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn hoặc mắc thêm bệnh mới, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh các thuốc, đặc biệt là liều lượng thuốc cho phù hợp.

Cùng với thói quen tái sử dụng đơn thuốc, nhiều người còn mượn đơn thuốc của người khác do thấy bệnh có biểu hiện tương tự. Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều hậu quả như người bệnh tốn tiền mua thuốc mà bệnh không khỏi. Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến các tác dụng phụ, thậm chí có thể gây dị ứng, phản ứng thuốc gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tóm lại người bệnh tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn. Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Các loại thuốc được kê đơn để điều trị đau cơ hoặc đau viêm khớp đều được ghi là dùng "khi cần thiết" để giảm đau, nên có thể dùng lại tùy theo triệu chứng nhưng phải kiểm tra hạn sử dụng, nếu quá date thì vứt bỏ để đảm bảo an toàn.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?