1. Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus)
Trẻ bị suy dinh dưỡng nói chung có biểu hiện chậm phát triển thể chất lẫn trí tuệ, trong đó có hai dạng phổ biến là Marasmus và Kwashiorkor. Điều này đồng nghĩa, suy dinh dưỡng ảnh hưởng kinh tế xã hội, đặc biệt là sức khỏe thế hệ tương lai. WHO ước tính, trên toàn thế giới có trên 150 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, nên vấn đề này đang được mọi người, mọi quốc gia quan tâm.
Marasmus cũng thuộc nhóm thiếu dinh dưỡng protein-năng lượng nhưng được phân là suy dinh dưỡng thể teo đét, bởi thiếu dinh dưỡng trầm trọng, cả năng lượng lẫn protein. Marasmus có thể xảy ra ngay trong năm đầu tiên, điều này khác với suy dinh dưỡng nặng thể phù (Kwashiorkor), chủ yếu xảy ra ở nhóm 1-3 tuổi.
Cai sữa quá sớm hoặc thức ăn bổ sung không hợp lý là nguyên nhân phổ biến dẫn tới thể suy dinh dưỡng này. Trẻ rơi vào tình trạng kém ăn, nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Suy dinh dưỡng thể teo đét khiến cân nặng của trẻ nhỏ hơn 60% so với ngưỡng bình thường. Trông bề ngoài, trẻ gầy đét, da bọc xương, vẻ mặt như cụ già do mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi và má. Ngoài hai thể suy suy dinh dưỡng nói trên, còn có thể hỗn hợp giữa Kwashiorkor và Marasmus.
Trẻ bị suy dinh dưỡng teo đét thường có sức khỏe tinh thần mệt mỏi, chậm phản ứng, hay quấy khóc, không chịu chơi hoặc rất thèm ăn hoặc biếng ăn, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Nếu trẻ bị bệnh cần đưa đi khám, bác sĩ sẽ dùng các thủ thuật chuyên môn để xác định nguyên nhân. Tùy theo độ tuổi và để giúp trẻ mau chóng hồi phục và phát triển tốt, nên áp dụng khẩu phần ăn dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, chất xơ, protein và lượng nguyên tố vi lượng như vitamin, canxi… thiết yếu hằng ngày.
Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus) có các triệu chứng điển hình : Tuổi khởi phát dưới 1 tuổi, do lượng calo thấp, tăng trưởng chậm, khuôn mặt giống như ông già , bụng lồi to , da viêm, khô teo, thèm ăn…, tiên lượng xấu.
2. Suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor
Kwashiorkor là một dạng thiếu dinh dưỡng protein-năng lượng, đặc trưng là phù nên nó còn được gọi là suy dinh dưỡng thể phù. Đặc trưng là chán ăn, gan lớn thâm nhiễm mỡ. Lượng calo đủ, nhưng không đủ protein, cần phân biệt với tình trạng gầy ốm. Kwashiorkor chủ yếu xảy ra ở các khu vực có nạn đói hoặc thiếu cung cấp lương thực thực phẩm, như vùng cận Sahara châu Phi, Đông Nam Á và Trung Mỹ do nhiều nguyên nhân như lũ lụt, hạn hán hoặc bất ổn về xã hội, chiến tranh, hiếm gặp ở các nước phát triển. Nó xảy ra do dinh dưỡng kém nên xuất hiện các triệu chứng như giảm cân, thay đổi màu da và tóc, sưng chân và bụng. Kwashiorkor đôi khi nhầm với suy dinh dưỡng Marasmus, do ăn uống ít carbohydrate và chất béo.
Nguyên nhân của suy dinh dưỡng protein-năng lượng là do thiếu protein trong chế độ ăn uống. Protein rất quan trọng đối với các tế bào cơ thể, nó rất cần để sửa chữa tế bào, tạo ra tế bào mới và cho quá trình trao đổi chất. Ngoài ra, protein còn rất quan trọng, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển ngay từ giai đoạn trong bụng mẹ, nếu thiếu dễ phát sinh hệ lụy lâu dài.
Triệu chứng rất đa dạng như thay đổi màu da màu tóc, mệt mỏi, tiêu chảy, khối lượng cơ suy giảm, tăng trưởng chậm, sưng hay phù nề chân và bụng, rối loạn hệ thống miễn dịch, sốc, gan to bụng trướng..... Trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn, nhất là nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm dạ dày ruột. Nếu không được chữa trị, bệnh có thể dẫn đến hôn mê, sốc, thậm chí cả tử vong.
Giải pháp suy dinh dưỡng Kwashiorkor có thể thực hiện bằng cách đưa trẻ đi khám bác sĩ, chuyên môn sẽ kiểm tra kích thước gan, phù nề chân, chướng bụng vì đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu và nước tiểu để đo kiểm các dấu hiệu suy dinh dưỡng, như đánh giá lượng đường trong máu và mức protein. Về điều trị khá đơn giản, và nên nhớ, càng sớm càng tốt bằng cách ăn nhiều đạm và calo hơn theo nguyên tắc cách cân bằng dinh dưỡng.
Rất đa dạng như trọng tâm đến thực phẩm có hàm lượng carbohydrate, chất béo và protein cao. Riêng calo, nên tăng dần đều để phù hợp với thể trạng, kết hợp bổ sung vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn uống. Protein có nhiều trong thực phẩm như hải sản, trứng, thịt, đậu, các loại thực phẩm dạng hạt.
Suy dinh dưỡng thể phuc Kwashiorkor có các triệu chứng điển hình như tuổi khởi phát 1-5 tuổi, nguyên nhân do lượng protein thấp , trọng lượng cơ thể đạt 60-80% so với bình thường , tăng trưởng chậm , khuôn mặt hình mặt trăng, bụng lồi, viêm da, cơ bắp yếu, thèm ăn… , tiên lượng tốt .
3. Phòng ngừa
Cho đến nay chưa có phương pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng hiệu quả. Những thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp hạn chế diễn tiến của suy dinh dưỡng. Ngoài nội dung đề cập ở trên, nên thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên; tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Khuyến nghị nên cho trẻ bú sớm trong 1 giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú mẹ theo nhu cầu. Thực hành cho trẻ ăn bổ sung theo khuyến nghị, bắt đầu từ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Tiêm chủng đầy đủ theo lịch.
Nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm và đủ các chất dinh dưỡng. Hãy để việc ăn uống trở thành thú vui để giúp trẻ ăn ngon miệng và ăn được nhiều, lâu ngày thành thói quen tốt.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác