PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên cao cấp.
BV Quốc tế Minh Anh.
Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP Hồ Chí Minh.
Ở các nước tiên tiến như châu Âu, Mỹ v.v…Bệnh lý tĩnh mạch có một ý nghĩa y tế-xã hội khá quan trọng vì bệnh rất thường gặp. Theo các thống kê ở Pháp, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc. Đối với người trên 50 tuổi thì có đến 75-80% bị suy giãn tĩnh mạch. Trong đó có đến 2/3 bệnh nhân gặp phải biến chứng.
Ở Việt Nam, trên thực tế bệnh cũng rất thường gặp nhưng ít được sự chú ý của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Cho đến nay chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.
Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch
Máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu và từ dưới lên trên nhờ hệ thống van mở ra khi máu đi về trung tâm, và đóng lại không cho máu chảy ngược. Cơ chế đóng, mở của van nhờ lực hút tạo bởi hoạt động của cơ hoành, sức hút của tim, áp lực âm vùng trung thất cùng lực đẩy do hoạt động của hệ thống cơ. Tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn: trong nhóm này, ban đầu các tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất dần chức năng.
- Nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát, thường do viêm tĩnh mạch: Ở nhóm này các van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, sau đó các tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra.
- Giãn tĩnh mạch ở người có thai, do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung bị to ra khi có thai.
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường của thành tĩnh mạch làm nghẹt tĩnh mạch sâu và dò động tĩnh mạch (dạng u máu hỗn hợp).
Biến chứng của suy giãn tĩnh mạch:
- Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
- Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
- Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ:
- Trên thực tế không phải người nào cũng có khả năng bị bệnh này, chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao là hay bị. Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân giãn tĩnh mạch, trong thực hành bệnh viện hàng ngày chúng tôi nhận thấy có một số người về di truyền dễ bị mắc bệnh hơn những người khác, nguyên nhân do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết. Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc đi giày không thích hợp.
- Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm, và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng.
- Chủng tộc có ít nhiều ảnh hưởng đến bệnh này, trừ khi chúng được kết hợp với sự phát triển về kinh tế và thay đổi cách sống. Tại Pháp cộng đồng người dân di cư đến từ các nước vùng Bắc Phi rất hay bị bệnh giãn tĩnh mạch, đa số họ đều là những người dân nghèo, sống trong những điều kiện vật chất thiếu kém và phải làm những việc nặng nhọc, đứng lâu, nhiệt độ cao ở vùng chân như nội trợ, giặt quần áo, thợ dệt, tài xế v.v…
- Thuốc ngừa thai do sử dụng nội tiết tố nên cũng là một yếu tố nguy cơ như thai nghén.
- Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch, nhất là những phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa, các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương v.v…tuy nhiên gần đây tầm quan trọng của yếu tố nguy cơ này đã giảm bớt.
- Những bệnh ăn theo chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.
Các triệu chứng chính
Theo một thống kê nghiên cứu đa trung tâm do Trường Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh chủ xướng: Đa số bệnh nhân 77,6% không hề biết về bệnh tĩnh mạch trước đó. Điều này nói lên thực trạng về bệnh lý tĩnh mạch ở nước ta, trong đó chủ yếu là bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Trong đó 91,3% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% được điều trị không đúng phương pháp chủ yếu là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như aspirin, lợi tiểu hoặc các loại thuốc Đông y.
Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ. Về sau các triệu chứng nặng dần, xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da, các tĩnh mạch giãn ra, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô, lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng v.v…
Chẩn đoán suy tĩnh mạch
Việc xác định chẩnn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng bao gồm nhìn thấy những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, da đổi màu, rối loạn dinh dưỡng, loét, và sự xuất hiện của các u máu.
Sờ để biết được độ cứng của phần mềm, đặc biệt là vùng trước xương chày, so sánh cả hai bên. Ngoài ra có thể sờ thấy cả một đoạn tĩnh mạch cứng, phù nề, các cục thuyên tắc và xác định nhiệt độ của da.
Với các thầy thuốc chuyên khoa có thể áp dụng một số thủ thuật để đánh giá tình trạng của các van tĩnh mạch hiển trong như: thủ thuật Schwarz, thủ thuật ho, thủ thuật Trendelenburg và thủ thuật Perthe.
Cuối cùng chẩn đoán được xác định bằng siêu âm doppler màu mạch máu, với phương pháp này cho phép chúng ta xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch để từ đó có thái độ điều trị đúng đắn.
Điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính
Có 5 phương pháp điều trị chính nhằm kiểm soát hay chặn đứng sự trào ngược, loại bỏ trào ngược từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối, cuối cùng là ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ các vi quản.
- Phòng ngừa: Phương pháp này nhằm chặn đứng sự trào ngược và làm cho các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn. Bao gồm: Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón v.v…
- Băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua hệ thống xuyên, giảm đường kính của lòng tĩnh mạch để tăng khả năng vận chuyển khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức.
- Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch như Daflon, Rutin C, Veinamitol v.v…nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
- Phẫu thuật với hai phương pháp chính: Lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn gọi là phương pháp Stripping bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch như chúng ta làm lòng gà và phương pháp Chivas lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên, đây là phương pháp điều trị khá triệt để có tỷ lệ tái phát thấp nhất. Ngoài ra hiện nay người ta còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch, tuy nhiên phương pháp này cho tỷ lệ tái phát khá cao đến 30% các trường hợp.
Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này như Bệnh viện Đại học Y dược, các khoa phẫu thuật mạch máu tại một số bệnh viện lớn khác.
Cần phải phát hiện sớm bệnh suy tĩnh mạch
Muốn điều trị có kết quả, phải phát hiện sớm bệnh khi mà suy tĩnh mạch còn ở giai đoạn 1-2. Việc phát hiện ra bệnh sớm, không chỉ hoàn toàn dưạ vào người thầy thuốc mà tự chúng ta phải tìm hiểu xem có bị bệnh suy giãn tĩnh mạch hay không?
Các triệu chứng sớm cũa bệnh suy tĩnh mạch mạn tính thường là:
- Mỏi chân, nhất là khi đi lại hay đứng nhiều
- Sưng phù mắt cá chân: Phù xung quanh mắt cá và thấy rõ vào buổi tối. Khi thấy sưng phù, có thể đã bị giãn tĩnh mạch với biểu hiện là các đường gân xanh nổi ngoằn nghoèo trên da.
- Chuột rút về đêm
- Cảm giác như có kiến bò và ngứa chân
Khi có các dấu hiệu trên, cần đến một bác sỹ chuyên khoa về tĩnh mạch học để được thăm khám và siêu âm doppler màu tĩnh mạch, đây là một chẩn đoán hình ảnh cơ bản cho kết quả chính xác nhất. Việc thăm khám và điều trị kịp thời luôn mang lại sự hiệu quả và ít tốn kém tài chính nhất.
►BỆNH BÉO PHÌ VÀ SUY TĨNH MẠCH
Để được tư vấn và hỗ trợ khám tĩnh mạch, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh
Nguồn tin: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác