Tăng cường sức đề kháng trước nguy cơ Covid-19 quay lại

Thứ bảy - 22/04/2023 11:19
Trong khi chưa sản xuất được thuốc chữa những loại bệnh mới nổi như virus corona hiện đang có nguy cơ quay lại thì việc phòng bệnh vô cùng quan trọng, trong đó có việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Trưởng khoa Khám bệnh;
phụ trách Phòng khám Tiêu hóa – Gan mật
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Tầm quan trọng của hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch (Immune System- IS), là mạng các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan, giúp bảo vệ cơ thể kháng lại vi trùng và vi sinh vật có hại. Một trong những tế bào quan trọng của IS là tế bào bạch cầu, làm nhiệm vụ giống như các chiến binh, chống lại những kẻ ngoại lai có hại, như virus corona hiện đang được cả thế giới quan tâm. Không giống các hệ thống khác trong cơ thể, IS có cấu trúc phức tạp, “phủ sóng” khắp cơ thể để giữ cho con người luôn khỏe mạnh.

Vì lý do đó, IS được ví như hệ thống phòng thủ tự nhiên thông qua cơ chế phản ứng miễn dịch (Immune response) hay IR. IR diễn ra theo 3 bước cơ bản là tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập (khi cơ thể khỏe mạnh). Hai, khi mầm bệnh vượt qua khỏi hàng rào, IS tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác nhằm tấn công và phá hủy những yếu tố lạ gây hại. Tìm và diệt kháng nguyên trước khi phân chia (ở người mắc bệnh). Ba là, nếu thất bại, IS sẽ tăng cường công suất để giữ chân mầm bệnh tại chỗ không cho phát triển.

Hệ miễn dịch tốt, hoạt động hiệu quả đồng nghĩa cơ thể không mắc các loại bệnh, kể cả những căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay tim mạch hoặc các loại virus nguy hiểm, mới lạ và tạo kháng thể chống bệnh cũ tái phát. Ngược lại nếu suy yếu, nhất là mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên, tạo ra các loại bệnh tự miễn như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, vảy nến, Lupus hay bệnh về tuyến giáp...

2. Làm gì để tăng sức đề kháng cho cơ thể ?

Theo khoa học, virus và vi khuẩn là hai thực thể khác nhau. Vi khuẩn là vi sinh vật có thể tồn tại và phát triển độc lập ngoài vật chủ, còn virus thì tồn tại bên trong tế bào sống của sinh vật khác. Vì vậy, kháng sinh chỉ trị được vi khuẩn mà không tác dụng cho virus. Đôi khi, trong khi điều trị virus, hệ miễn dịch người bệnh suy yếu dễ bị lây nhiễm chéo bởi vi khuẩn, nên việc điều trị có thể kết hợp thêm kháng sinh, nhưng không thể dùng tùy tiện. Vì vậy, phương pháp tình thế là cách ly, và điều trị giảm triệu chứng nên việc phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng chờ hệ miễn dịch của cơ thể tự tiêu diệt virus là yếu tố quan trọng. Riêng nhóm người có tiền sử bệnh phổi, bệnh ung thư, bệnh mãn tính, hay nhóm có hệ miễn dịch kém nên tránh tiếp xúc nguồn bệnh.

Để có hệ miễn dịch  khỏe mạnh mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, cân bằng và đủ chất, trọng tâm đến thực phẩm có lợi. Ngoài ra, còn có một hướng đi mới, tăng cường sức đề kháng bằng probiotic đã được khoa học chứng minh là hiệu quả và dễ thực hiện. Đặc biệt là giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Probiotic hay lợi khuẩn là nhóm các vi khuẩn khác nhau, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loài sinh vật khác, do phương thức sống cộng sinh tự nhiên, thường được tìm thấy trong hệ tiêu hoá của nhiều loài. Hiểu sát nghĩa hơn, đó là chất bổ sung dinh dưỡng chứa những vi khuẩn hay vi nấm có ích. Theo định nghĩa của Tổ chức nông lương LHQ (FAO) hay WHO (Tổ chức y tế thế giới), probiotic là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của ký chủ hay vật chủ cộng sinh. Đây là hướng đi mới trong chế biến thực phẩm hiện đại trên thế giới hiện tại và trong tương lai gần.

Trong ruột, probiotic phá vỡ các thực phẩm khi  ăn vào để cung cấp một nguồn năng lượng cho các tế bào trong ruột, nó được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (probiotic có thể là tự nhiên hoặc đã được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm này gồm sữa chua, đồ uống từ sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đậu tương lên men và một số nước hoa quả, đồ uống đậu nành. Tuy nhiên theo nghiên cứu, probiotics sau khi được bổ sung vào cơ thể phải ở dạng sống sẽ tốt hơn, và giúp an toàn hơn cho người sử dụng. Theo WHO liều lượng đầy đủ cho mỗi lần bổ sung probiotic, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, có thể là 108 đơn vị hay 100 triệu đơn vị tế bào lợi khuẩn, liều này có thể tăng tới 1011, với điều kiện các vi khuẩn phải được phân lập đến cấp "chủng".

Theo nghiên cứu lợi ích của probiotic rất tiềm ẩn. Trước tiên, tốt cho tiêu hóa, kể cả chữa trị táo bón, tiêu chảy, ung thư ruột kết, viêm ruột, nhiễm H. pylori. Một số chủng probiotic có thể tăng cường sức khỏe miễn dịch, bằng cách thay đổi hệ vi sinh đường ruột và tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch giúp giảm bệnh.

Kết quả nghiên  cứu trên người cao tuổi còn cho thấy, thời gian mắc tất cả các bệnh thấp hơn đáng kể trong nhóm được dùng một loại men vi sinh có trong sữa lên men. Cụ thể, giảm 20% thời gian nhiễm trùng mùa đông (nhiễm trùng đường tiêu hóa và đường hô hấp).

Một trong những sản phẩm quen thuộc có sữa chua có chứa hai loại men vi sinh, lactobacillus và bifidobacterium, có thể cải thiện việc điều trị bằng thuốc, ngăn ngừa H. pylori. Đây là vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng dạ dày và phần trên của ruột non. Nó có thể dẫn đến loét và cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Vì vậy, bổ sung lợi khuẩn bằng cách thường xuyên sử dụng những thực phẩm có chứa probiotic như nhóm thực phẩm lên men, đặc biệt là sữa chua rất có ích cho sức khỏe.

Khi sử dụng sữa chua hay các thực phẩm lên men…cần chú ý:

·       Nên chọn sữa chua nguyên chất, ít béo hoặc không béo. Kiểm tra nhãn mác để biết hàm lượng đường cũng như các thành phần hữu ích khác như canxi, vitamin D, men vi sinh v.v.

·       Lựa chọn chất ngọt nhân tạo để biết hàm lượng calo

·       Nên chọn sữa chua còn men sống hoạt hóa và chế phẩm sinh học để có tác dụng cao nhất (Live and active cultures).

·       Nên bổ xung hạt lanh, khoảng 1 muỗng canh hạt lanh, sẽ tăng thêm gần 3g chất xơ và 2g omega-3 thực vật, rất tốt cho sức khỏe hoặc chọn sữa có sẵn các thành phần này.

·       Chọn sữa giàu vitamin D, nhất là nhãn hiệu có ghi 20%, sẽ tốt hơn so với 0%  vitamin D.

·       Dùng sữa chua là một phần của bữa ăn nhẹ bằng cách kết hợp sữa chua giàu protein với thực phẩm giàu chất xơ như trái cây (tươi hoặc đông lạnh) hoặc một loại ngũ cốc dùng cho bữa sáng.

·       Dùng sữa chua làm sinh tố kem, vừa ngon miệng lại ít chất béo, chất béo bão hòa và calo.

·       Có thể tạo loại sữa chua tùy chỉnh theo sở thích như thêm dâu tây xắt nhỏ, cà phê hay xi-rô hoặc các loại hoa quả khác.

·       Có thể dùng sữa chua tại nơi làm việc dưới dạng bữa ăn nhẹ buổi sáng hoặc buổi chiều.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?