Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Thứ tư - 09/06/2021 07:37
Theo khuyến cáo của WHO, những người hút thuốc có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do Covid - 19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Nhớ ai như nhớ thuốc lào  
Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên...                            
  Thuốc lào, thuốc lá, thuốc rê, thuốc lá điện tử…là những chất gây nghiện phổ biến trong cộng đồng. Ngày nay, dẫu chưa dứt hẳn, nhưng lượng người dùng chất gây nghiện này cũng đã có giảm thiểu khi cảnh báo về tác hại của chúng được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông.

 Trong khói thuốc lá nói chung chứa hơn 4.000 loại hoá chất,  trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, gồm 4 nhóm chính: Nicotin, khí CO, các phân tử nhỏ và chất gây ung thư.
 
 Khói thuốc lá có hơn 200 loại có hại cho sức
 Khói thuốc lá có hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe
  Vì độc hại như vậy, nên với những người hút thuốc lá được xem là những người đầu độc tự nguyện. Tuy nhiên thực tế họ đâu chỉ tự đầu độc mình, khi đây đó, những làn khói thuốc vẫn còn vô tư lan tỏa tại các nơi công cộng – nơi tập trung không ít  trẻ em, người già, phụ nữ …

  Theo Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) thì thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
 
Đừng để khói thuốc đầu độc các thiên thần nhỏ bé của chúng ta
  Và trong cơn đại dịch COVID – 19 này, vì sao WHO đưa ra TUYÊN BỐ : HÚT THUỐC LÁ VÀ COVID – 19? Vì theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy: những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
  COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi rút corona và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn .

  WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc,  bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí (ở Việt Nam là số 18006606), chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotin.
 
  Khi đề cập đến chuyện bỏ thuốc lá, hẳn sẽ có những ý kiến cho rằng thuốc lá khó bỏ lắm. Thực sự thì cũng có người tự nguyện bỏ nhưng bỏ không được, hoặc bỏ rồi, lại hút lại…Tôi có một đồng nghiệp, bản thân anh cũng là người hay phì phèo thuốc lá,  một ngày kia anh gặp mọi người và khoe một sản phẩm cai thuốc lá tuyệt vời lắm, ảnh mới dùng ngày đầu mà đã không còn thấy thèm thuốc lá nữa. Vậy mà, tuần sau, tôi lại đã thấy điếu thuốc trên tay anh. Anh thố lộ thuốc lá khó bỏ quá…
  Bản thân tôi cũng là kẻ nghiện thuốc lá, thuốc lá nặng mới đủ đô. Và tôi bỏ thuốc lá.  Không cần hứa, không cần tuyên bố, tôi bỏ cái rụp, cho đến tận giờ cũng 30 năm hơn…Ngày ấy, thời gian đầu cũng bức rức, khó chịu lắm, nhưng tôi cứ âm thầm đếm ngày vượt qua, 1 tuần, 2 tuần…rồi 1 tháng, 2 tháng…Vượt qua tháng thứ 1 đã cảm thấy trí óc thảnh thơi, tháng thứ 2 coi như chắc chắn. 

  Vì sao tôi bỏ thuốc lá? Đơn giản thôi, chỉ vì vợ, vì con. Tôi không muốn vợ con bị ảnh hưởng bởi khói thuốc.
  Bỏ thuốc lá rồi, ngồi café với bạn bè, hít phải khói thuốc của người xung quanh, tôi mới hiểu sự chịu đựng của những người không hút thuốc ( mà bản thân tôi  cũng từng vô tư thả khói như vậy). 
 
Vẫn còn những phụ nữ phải đi điều trị vì khói thuốc lá
  Giờ đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID – 19, không ít những người hút thuốc lá phải ở nhà vì giãn cách xã hội, không còn dịp bù khú với bạn bè qua các buổi cafe, hay cuộc nhậu. Vậy chăng nên xem thời gian đây là cơ hội để bỏ thuốc lá, để bảo vệ sức khỏe, vợ con, cha mẹ, những người xung quanh, và chí ít là bản thân mình,  khi người hút thuốc lá là đối tượng dễ gục ngã trước con COVID – 19.
 
BẠN NÊN BIẾT
  Theo Tổ chức Ung thư Thế giới, chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, ung thư phổi tại Việt Nam nằm ở top đầu với tỉ lệ 21,7 người mắc/100.000 dân.

  Năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 33.600 ca mắc mới, và gần 21.000 người đã tử vong.

  Nguyên nhân phổ biến chính là do hút thuốc, bao gồm cả chủ động và thụ động ( ung thư phổi 90% là do hút thuốc lá ). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với khoảng hơn 21 triệu người. 

   Trong đó, tỉ lệ hút thuốc lá thụ động trong nhà là hơn 53%, gần 37% tại nơi làm việc và  16% tại trường học.

Tác giả bài viết: Khắc Phương - BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?