Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ, xử lý thế nào để đạt hiệu quả?

Thứ năm - 07/07/2022 08:00
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ dễ bị bỏ qua bởi mọi người luôn nghĩ trẻ còn quá nhỏ , lại có các dấu hiệu không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển và để lâu dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
BSCKII. NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
  Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ là gì?
   Theo Tổ chức Chăm sóc Tiết niệu Mỹ (UCF), nhiễm trùng tiểu (Urinary Tract Infection) hay UTI là căn bệnh thầm lặng, phát hiện ra là lúc đã muộn nên các bậc  phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm. UTI xuất hiện là do vi khuẩn xâm nhập vào nước tiểu và di chuyển lên bàng quang. Cứ 100 trẻ em gái thì có 8 và 100 trẻ em trai thì có 2 bị nhiễm trùng tiểu. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị tổn thương thận liên quan đến nhiễm trùng tiểu lớn hơn so với nhóm trẻ lớn hơn hoặc người lớn.
 
   “Đường tiết niệu” là bộ phận quan trọng trong cơ thể, có nhiệm vụ tạo, lưu trữ và loại bỏ nước tiểu. Nước tiểu được tạo ra trong thận và đi xuống bàng quang qua niệu quản. Ước tính, thận tạo ra khoảng 1/2 đến 2 lít nước tiểu mỗi ngày ở người lớn và ít hơn ở trẻ tùy thuộc vào độ tuổi. Ví dụ, bàng quang của trẻ 4 tuổi có thể chứa từ  100 – 180 ml (gần đầy 1 cốc nhỏ).


   Nguyên nhân
   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến UTI ở trẻ nhỏ,  nhất là khi vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu, gây viêm sẽ xảy ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu (viêm bể thận hoặc viêm bàng quang). Thủ phạm gây viêm là khuẩn E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas Aeruginosa… Nước tiểu bình thường là vô trùng, không có vi khuẩn nhưng khi vi khuẩn thâm nhập có thể âm thầm gây bệnh,  đi lên niệu đạo vào bàng quang, sinh sôi và phát bệnh.
 
   Có 2 loại nhiễm trùng tiểu cơ bản: nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận. Nếu nhiễm trùng trong bàng quang, nó có thể gây phù nề niêm mạc và gây đau, gọi là viêm bàng quang. Nếu vi khuẩn đi lên từ bàng quang qua niệu quản đến thận gây nhiễm trùng thận, hay còn được gọi là viêm đài bể thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn nhiễm trùng bàng quang và có thể gây hại cho thận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
 
   Cách nhận biết trẻ mắc bệnh là trẻ nóng sốt hoặc ngược lại là hạ thân nhiệt dưới 36 độ, bú kém, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đôi khi vàng da kéo dài…. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sẽ có biểu hiện sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, biếng ăn, còn ở nhóm lớn hơn, đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt nhắt, nước tiểu có màu đục, thậm chí có trẻ tiểu ra máu.
 

   Chẩn đoán & điều trị
   Bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng, phân tích tế bào máu, CRP, cấy máu. Nguyên tắc điều trị là điều trị nhiễm trùng, soi cấy nước tiểu tìm vi trùng, dị tật tiết niệu nếu có và điều trị phòng ngừa, cụ thể là lựa chọn kháng sinh để tiêu diệt khuẩn E. Coli. ‎Cần nhớ phải luôn thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh dùng thuốc của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cho trẻ uống kháng sinh liều thấp trong một thời gian dài để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu. Với những trẻ nam hẹp hoặc dài bao bao quy đầu, nên phẫu thuật sớm tránh để nhiễm trùng.
 
   Về phòng ngừa là vệ sinh, đặc biệt là trẻ em gái, sau mỗi lần đi tiêu, đi tiểu nên vệ sinh và lau chùi đúng cách, không lau từ sau ra trước, do lỗ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau. Nên vệ sinh phải lau từ trước ra sau để không đưa vi khuẩn từ đường tiêu hóa vào đường niệu. Nếu còn mang bỉm, nên thường xuyên kiểm tra tã lót và nên thay tã ngay sau khi trẻ đi tiểu và đại tiện.
 
   Không nên bắt trẻ nhịn tiểu và nhịn uống nước, nhất là tình trạng nắng nóng vì nước vô cùng quan trọng, bởi nước tiểu làm nhiệm vụ thải cặn bã, độc tố của cơ thể ra ngoài. Nhiễm trùng đường tiểu nếu phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?