Đau mắt đỏ, làm gì để giảm bệnh?

Thứ hai - 19/09/2022 07:39
Nhiều nghiên cứu cho thấy nước mưa ngày càng bị ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩm, hóa chất, vi khuẩn, virus. Ngoài các bệnh da, các bệnh liên quan đến mắt cũng thường gặp trong mùa mưa, đặc biệt là đau mắt đỏ.
   Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc bị viêm, gây cảm giác khó chịu ở mắt, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Việc hiểu rõ bệnh cũng như nguyên nhân, mức độ nguy hiểm sẽ giúp  việc phòng tránh, chữa trị đạt hiệu quả cao.
 
ThS.BS. NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH
Chuyên khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
   Đau mắt đỏ trông thế nào ?
   Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm. Kết mạc là phần mô mỏng trong suốt nằm trên phần trắng của mắt và nằm bên trong mí mắt. Nó có chứa các mạch máu, bao phủ lên củng mạc của nhãn cầu và mặt trong của sụn mi, tạo thành hai túi cùng đồ ở phía trên và dưới.
 
   Khi bị viêm, các mạch máu tại vị trí kết mạc sung huyết và làm cho kết mạc phù, đỏ vì vậy dân gian mới quen gọi là bệnh đau mắt đỏ. “Đau mắt đỏ” không phải là một thuật ngữ y tế chính thức nên hầu hết các bác sĩ nhãn khoa có thể kết hợp thuật ngữ đau mắt đỏ với viêm kết mạc nhẹ do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
  
   Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ?
   Rất đa dạng nhưng chủ yếu là do vi rút, bao gồm cả loại gây ra cảm lạnh thông thường và vi khuẩn; các chất gây kích ứng như dầu gội đầu, bụi bẩn, khói và clo trong hồ bơi; phản ứng với thuốc nhỏ mắt; phản ứng dị ứng với những thứ như phấn hoa, bụi hoặc khói hoặc cũng có thể do một loại dị ứng đặc biệt ảnh hưởng đến một số người đeo kính áp tròng; do nấm, amip và ký sinh trùng…
 
   Viêm kết mạc đôi khi là do bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh lậu có thể gây ra một dạng viêm kết mạc do vi khuẩn hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến mất thị lực nếu không điều trị. Nếu là phụ nữ, khi bị nhiễm chlamydia, bệnh lậu hoặc các vi khuẩn khác trong khi bầu bí, sinh nở, thì đứa trẻ ra đời cũng có thể mắc bệnh. Đau mắt đỏ do một số vi khuẩn và vi rút gây nên dễ dàng lây lan từ người này sang người, nhưng nó không nguy hiểm đến sức khỏe nếu được chẩn đoán , chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu ở trẻ sơ sinh, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức, vì nó là bệnh nhiễm trùng đe dọa thị giác của em bé.
 
   Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng có thể bao gồm lòng trắng của mắt hoặc mí mắt trong bị đỏ, kết mạc sưng, chảy nước mắt hơn bình thường, tiết dịch vàng dày đóng vảy trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ. Nó có thể làm cho mí mắt của bạn đóng lại khi thức dậy.
 
   Ngoài ra còn có triệu chứng ngứa và cay mắt, nhìn mờ, nhạy cảm hơn với ánh sáng, sưng các hạch bạch huyết … Khi mắt khó mở vào buổi sáng, đau mắt dữ dội khi nhìn vào ánh sáng chói, thị lực bị ảnh hưởng, sốt cao, ớn lạnh… nên đi khám bác sĩ, riêng trẻ nhỏ cần can thiệp sớm vì nó có thể gây hại vĩnh viễn cho thị lực của trẻ.
 
   Chẩn đoán, chữa trị viêm kết mạc
   Bác sĩ nhãn khoa sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và khám mắt cho bạn, đồng thời có thể dùng tăm bông để lấy một số chất lỏng từ mí mắt của bạn để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
 
   Điều đó sẽ giúp tìm ra vi khuẩn hoặc virus có gây viêm kết mạc, bao gồm cả những vi khuẩn có thể gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục. Biết rõ thủ phạm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
 
   Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do virus, thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Vì bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân từ bàn tay hoặc các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối... chưa được vệ sinh sạch sẽ. Bệnh cũng có thể lây qua hơi thở, nước bọt người bệnh mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi...
 
   Thuốc kháng sinh sẽ không giúp được gì nếu bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra. Đau mắt đỏ do virus herpes có thể rất nghiêm trọng và có thể cần thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc uống kháng virus theo toa.
 
   Nếu do vi khuẩn kể cả vi khuẩn liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), gây ra bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng sinh. Tình trạng nhiễm trùng sẽ cải thiện trong vòng một tuần.
 
   Ngoài ra nếu do chất kích ứng, dị ứng .. bác sĩ sẽ kê đơn theo thực tế nhưng thường là dùng thuốc kháng histamin (uống hoặc nhỏ), nhưng nếu bị khô mắt, dùng thuốc kháng histamin bằng đường uống có thể khiến mắt bạn khô hơn.
 
   Làm thế nào để ngăn ngừa đau mắt đỏ?
   Nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên, nhiễm trùng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng. Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm, vỏ gối hoặc khăn tay với người khác, ngay cả với gia đình. Không sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc nhỏ mắt của người khác, đặc biệt là bút chì kẻ mắt và mascara.
 
   Nếu bệnh đau mắt đỏ liên quan đến dị ứng, hãy tránh những tác nhân gây bệnh. Đừng dụi mắt vì điều này có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Xông lên mặt và mắt của bạn bằng nước lạnh hoặc sử dụng một miếng gạc mát. Sử dụng “nước mắt nhân tạo” dựa trên dung dịch nước.  
 
   Nếu thay đổi cách vệ sinh kính áp tròng có thể làm mắt dễ chịu hơn, nhưng hãy nhớ khử trùng mắt kinh áp tròng trước khi đeo lại.
 
   Khi có dấu hiệu bất thường về mắt thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà hay dùng các loại thuốc, kể cả thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.

 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến khác

  • benhxh4

    Địa chỉ khám - chữa bệnh xã hội & da liễu uy tín:
    https://benhxahoi.andongclinic.vn/nhung-can-benh-lay-qua-duong-quan-he-tinh-duc-thuong-gap-32.html?bl1

      benhxh4
      10/09/2024 08:44
Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?