Với sự cố vấn của TS.BS. Võ Chí Hùng - nguyên Trưởng Bộ môn Cấy ghép Nha khoa ĐHYD TP.HCM, chúng tôi sẽ lần lượt gt các bài viết thú vị về Sức khỏe răng miệng
Sức nhai là một tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe tổng quát của một cá nhân.
Sức nhai của một người được đánh giá bằng hệ số nhai, hệ số nhai liên quan đến các răng trong hàm răng. Ví dụ hệ số nhai của răng cửa giữa là 2, trong khi răng cửa giữa dưới thì ngược lại là 1, răng hàm thứ 2 có hệ số nhai là 5 v.v…
Cách tính sức nhai cho một cá nhân là xem cá nhân đó còn nguyên vẹn hay mất bao nhiêu răng. Nếu mất một răng dưới, thì xem như răng đối diện trên không còn sức nhai nữa, vì hai răng chạm với nhau mới ăn được, mất một răng thì răng đối diện coi như vô dụng , như vậy hệ số nhai coi như mất gấp đôi.
Trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu một thanh niên bị mất 2 răng hàm sẽ bị xếp sức khỏe vào loại B.
Khi đặt vấn đề Răng và Sức nhai, Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Chí Hùng nguyên Trưởng bộ môn Cấy ghép Nha khoa Đại học Y Dược TP.HCM, đã rất nhiệt tình trao đổi và cung cấp cho chúng tôi những thông tin hết sức thú vị mà chúng tôi ghi chép ra đây.
Răng của chúng ta, khi tới tuổi trưởng thành sẽ có tất cả 32 chiếc răng ở cả hai hàm, trên và dưới. Ngoại trừ 4 chiếc răng khôn có thể mọc hoặc không, các răng còn lại tùy theo vị trí, chức năng mà có vai trò quan trọng khác nhau, vậy nên mới có hệ số sức nhai khác nhau. Dù thế, một hàm răng được xem là tốt, chỉ khi còn đầy đủ và mọc đều (không tính tới các răng bị lệch lạc hoặc không chạm khớp).
Các bạn hỏi mất răng sẽ gây ra những vấn đề gì?
Giống như lưỡi cưa, chỉ cần gãy 1 hoặc vài răng cưa đã thấy việc cưa xẻ khốn khổ như thế nào. Hàm răng chúng ta cũng vậy, mất răng sẽ khiến lực nhai bị giảm, việc ăn nhai và cắn thức ăn trở nên khó khăn hơn, thức ăn vì vậy không được nghiền nát làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và việc hấp thu chất dinh dưỡng.
Khi sức nhai tốt, mật độ xương hàm sẽ được kích thích giữ được khuôn mặt vốn có, khi mất răng và lực nhai giảm, xương hàm theo thời gian sẽ diễn ra hiện tượng tiêu xương, má hóp lại, diện mạo sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu và già đi.
Và như đã đề cập, một hàm răng tốt chỉ khi răng còn đủ và đều. Một răng mất sẽ tạo khoảng trống giữa 2 răng liền kề. Khi mất sự “tựa vào nhau” bởi khoảng trống do mất răng, các răng kế cận có thể bị xiêu, vẹo, kéo theo sự xô lệch các răng khác…Khi đó hoạt động nhai không còn bình thường dẫn đến loạn năng khớp thái dương – hàm, có thể gây ra nghiến răng, mòn răng…
Tất cả các yếu tố này tác động lên nhau, cộng hưởng với nhau, ảnh hưởng đến thẩm mỹ; ảnh hưởng đến sức khỏe; khiến sức nhai càng ngày càng xấu đi nếu không được khắc phục.
Như vậy kết luận là gì? Vệ sinh răng miệng cần được quan tâm, chải răng đúng cách, đúng thời điểm, tránh những thực phẩm có hại cho răng, cũng như tránh những hoạt động khiến răng có thể bị gãy, mẻ…
Ở đây sẽ có vấn đề khác đặt ra.
Tôi mất răng, răng tôi tự sinh ra đã mọc lệch, không đều v.v…Vậy sao đây?
Hiện nay chuyên ngành nha khoa có thể giải quyết các vấn đề về sức khỏe răng miệng, và mong rằng các bạn khi răng có vấn đề thì nên đi cho nha sĩ khám và điều trị, thí dụ răng mới sâu chỉ cần trám là đủ, răng có vôi thì đi cạo vôi răng tránh gây ra bệnh nha chu dẫn tới tụt nướu, hoặc niềng răng khi răng lệch, và nếu để mất răng thì cần trồng thay răng mới.
Lần sau chúng ta sẽ nói về trồng răng và các kỹ thuật trồng răng, đặc biệt là cấy ghép Implant.
Xin cám ơn Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Chí Hùng, xin được hẹn ông vào các đề tài sắp tới.