Giày cao gót từ trước đến nay luôn là trợ thủ của các chị em phụ nữ trong việc giúp tăng chiều cao và làm vóc dáng thêm hoàn hảo, hấp dẫn. Chính vì vậy mà nhiều chị em thường sử dụng và đi giày cao gót hàng ngày để giúp cơ thể trở nên thon thả, uyển chuyển và cuốn hút hơn trước mặt người đối diện, tôn lên vẻ đẹp nữ tính cũng như sự tự tin khi làm việc và giao tiếp với xã hội.
Tuy nhiên việc sử dụng giày cao gót về lâu dài lại gây áp lực và làm tổn hại hệ cơ xương khớp ở vùng cột sống, cổ chân và bàn chân, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, khả năng đi lại cũng như thẩm mỹ của đôi chân.
Ảnh hưởng của giày cao gót tới xương khớp
Gây viêm khớp:
Việc đi giày cao gót thường xuyên sẽ làm tăng sức ép lên đầu gồi và gót chân, điều này nếu như kéo dài thì sẽ làm bào mòn khớp gối và có thể làm tổn thương sụn khớp gây nên tình trạng viêm khớp.
Gây đau nhức chân:
Giày cao gót khoảng 7cm, dù là gót nhọn hay gót bằng, đều gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày đế thấp. Vị trí khớp thứ hai bị ảnh hưởng lớn, đó là khớp cổ chân và bàn chân. Do trọng lượng cơ thể bị dồn xuống mũi chân, khớp cổ chân bị ở tư thế gập quá lâu sẽ khiến bị đau nhức.
Đi giày cao gót cũng ảnh hưởng đến gân Achilles là gân mặt sau của chân. Khi phía trước bàn chân bị chúi xuống do gót giày, gân Achillles sẽ bị co lên. Gót giày càng cao thì cơ gân càng bị dồn nén ngắn, việc này dẫn đến hiện tượng đau nhức gót.
Dễ gây tê buốt do chèn ép thần kinh:
Khi trọng lực dồn nén xuống mũi chân sẽ làm cho bàn chân bị bè ra, các dây thần kinh bị chèn ép dưới bàn chân sẽ dễ làm chân bạn bị tê buốt, đau nhức.
Gây cong vẹo, đau mỏi vùng cột sống:
Giày cao gót tác động không nhỏ tới hệ thống xương khớp nhất là cột sống. Cụ thể, đi giày cao gót khiến độ thăng bằng của cơ thể giảm đi, đẩy trọng tâm của người về phía trước để lấy tư thế cân bằng. Tư thế này làm cho hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Về lâu dài sẽ dẫn tới hiện tượng nhức mỏi lưng vì hệ cơ phải làm việc quá sức, đau lưng, theo thời gian, nó sẽ khiến cột sống và khớp gối yếu, nhanh lão hóa, gây đau nhức, vẹo cột sống...
Gây thoái hóa khớp:
Thoái hóa khớp là tình trạng dễ gặp nhất nếu như bạn đi giày cao gót thường xuyên, tuy nhiên thoái hóa khớp không diễn ra ngay mà chúng kéo dài nhiều năm liền mới phát triển thành bệnh, gây triệu chứng đau nhức, cứng khớp
Gây dị dạng bàn chân:
Khi đi giày cao gót kín mũi trong thời gian lâu, bàn chân sẽ bị gò bó trong tư thế “dốc”. Điều đó khiến sức nặng của cơ thể dồn về phía mũi chân... sẽ gây ra hiện tượng phù nề và đau nhức mũi chân.
Đi giày cao gót còn có thể tạo ra các u dầy thần kinh Morton và dị dạng bàn chân, nhất là đối với giày cao gót cùng mũi giày nhọn và hẹp gây bó ép các tổ chức xung quanh dây thần kinh của ngón chân 3 và 4.
Giày chật khít còn gây biến dạng, vẹo ngoài xương ngón chân cái tạo nên “củ hành” ở vùng ngón chân cái, do lực tác động tại vùng này rất lớn. Ngoài ra, nếu giày cao gót quai hậu bó khít, da cứng còn gây phình xương gót được gọi là biến dạng Haglund.
Một số cách hạn chế ảnh hưởng xấu của giày cao gót tới xương khớp
Vẫn biết tác hại của giày cao gót là vậy nhưng làm đẹp vẫn là nhu cầu trong cuộc sống? Vì tính chất công việc hoặc trong một vài trường hợp bất khả kháng, việc mang giày cao gót là điều khó lòng tránh khỏi. Một số lưu ý sau đấy, sẽ giúp phụ nữ vừa diện giày cao gót lại có thể đảm bảo cho sức khỏe cho chính mình .
Trước tiên, để hạn chế tác hại của giày cao gót, không nên mang giày liên tục trong ngày hoặc thường xuyên trong tuần. Thay vào đó, chỉ nên mang giày cao gót khoảng 2-3 ngày trong một tuần và mang vào những lúc cần thiết. Những lúc còn lại, có thể thay bằng giày đế thấp để đôi chân được nghỉ ngơi.
Trường hợp nếu phải mang giày cao gót mỗi ngày và thường xuyên, chỉ nên chọn giày quá 5cm và đừng mang liên tục quá 4 giờ đồng hồ. Đặc biệt, những đôi giày "cà kheo" trên 8cm, nên hạn chế tối đa việc sử dụng chúng, còn nếu bắt buộc phải mang thì đừng quá 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, nếu có thể, thì sau mỗi 2 giờ đồng hồ, nên dành một chút thời gian cởi giày ra để xoa bóp chân.
Chú ý chọn giày phù hợp với size chân, vì đi giày quá rộng sẽ khiến chân trượt về phía trước nhiều hơn vào tạo sức ép vào ngón chân. Còn nếu đi giầy quá chật sẽ dễ làm tổn thương gân cơ và khớp ở bàn chân, dẫn tới các bệnh lý cơ xương khớp.
Có thể mang theo một đôi giày bệt để thay đổi khi chân bị mỏi. Đặc biệt với nhân viên văn phòng, khi đã tới công ty nên tháo giày cao gót thay bằng dép để có cảm giác thoải mái và tránh được ảnh hưởng xấu đến hệ thống xương khớp.
Mỗi tối nên massage chân trước khi đi ngủ để giúp xương khớp ở vị trí này được thư giãn, từ đó phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Các bài viết về bệnh lý cơ xương khớp có thể bạn quan tâm
►ĐAU NHỨC ÂM Ỉ VAI VÀ CÁNH TAY - COI CHỪNG HỘI CHỨNG CHÓP XOAY VAI
►SỐNG VUI, SỐNG KHỎE CÙNG THOÁI HÓA CỘT SỐNG LƯNG
►ĐAU CỘT SỐNG – NGÀY CÀNG NHIỀU BỆNH NHÂN TRẺ
►THOÁI HÓA KHỚP VÙNG CỔ CHÂN – BÀN CHÂN
►THOÁI HÓA KHỚP HÁNG – KHÔNG PHẢI DẠNG VỪA!
►THAY KHỚP GỐI – PHỤC HỒI TỐT VẬN ĐỘNG
Để được tư vấn và hỗ trợ khám chuyên khoa cơ xương khớp, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh
Nguồn tin: BVQT Minh Anh tổng hợp
Ý kiến khác