Hiện tượng này xảy ra thường là ở khớp giữa ngón tay, khiến ngón tay bệnh nhân bị co lại giống như đang bóp cò, nên có tên gọi chung là bệnh lý “ngón tay cò súng”.
(BSCK2 Nguyễn Thúc Bội Châu – Phòng khám Chuyên gia BVQT Minh Anh)
Ngón tay cò súng
Ngón tay cò súng còn gọi ngón tay bật, ngón tay lò xo.
Gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới, ở một ngón hay nhiều ngón.
Với các công việc thường xuyên phải gập và duỗi ngón tay như thợ may, thợ cắt tóc, người đánh vi tính, phẫu thuật viên… thì dễ gặp tình trạng này hơn.
Đầu tiên, bệnh nhân cảm thấy khó chịu mỗi khi cử động ngón tay, có hiện tượng bật nhẹ, không đau.
Theo thời gian, bệnh tiến triển khiến ngón tay bị co, kẹt ở tư thế gập. Nếu người bệnh cố gắng duỗi ngón tay sẽ cảm thấy có tiếng bật, ngón tay duỗi nhanh như bung lò xo và đau nhói; mặt lòng khớp bàn ngón khi ấn sẽ có cảm giác đau, đôi khi có thể sờ được khối tròn nhỏ cứng.
Một số trường hợp ngón tay bị cứng, bị khóa vào buổi sáng, cử động gập, duỗi ngón bị hạn chế mà không có biểu hiện bật, triệu chứng này sẽ giảm bớt vào trưa, chiều.
Ngón tay có thể bị kẹt tại một tư thế cố định, bệnh nhân phải dùng tay bên lành kéo duỗi ngón tay ra.
Nguyên nhân
Vận động của ngón tay chúng ta thực hiện được nhờ hoạt động gấp, duỗi của gân gập và gân duỗi. Gân gập nằm trong một ống – là hệ thống bao gân và ròng rọc.
Tình trạng ngón tay cò súng xảy ra khi hoạt động của gân gập với bao gân và ròng rọc bị cản trở.
Nguyên nhân thường do những chấn thương nhỏ lặp đi, lặp lại nhiều lần, hoặc do gập, duỗi quá mức. Ngoài ra, các bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp khiến bao gân bị viêm dày lên, gân gập không thể trượt nhẹ nhàng, trơn tru trong bao gân, làm ngón tay kẹt, không thẳng ra được.
Để giải quyết khó chịu đó, bạn cần làm gì?
Khi có triệu chứng, bạn cần đến một chuyên khoa về cơ xương khớp để được chẩn đoán xác định và điều trị.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại hoạt động, tránh những cử động gập, duỗi ngón tay lập đi, lập lại nhiều lần, tránh co kéo mạnh ngón tay bị đau.
Có thể bác sĩ chỉ định thuốc kháng viêm NSAID kết hợp với việc trị liệu tay, nẹp tay.
Nếu sử dụng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị tiêm vào bao quanh gân gấp.
Trong trường hợp nặng, điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ sẽ cần đến phẫu thuật để cắt mở đoạn bao gân ròng rọc bị chít hẹp, kèm hướng dẫn tập phục hồi chức năng lấy lại sự linh hoạt của bàn tay – ngón tay cho bệnh nhân.
Đón xem chủ đề kỳ tới: ỦI ĐỒ XONG, Ê CẢ LƯNG, ĐỨNG DẬY KHÔNG MUỐN NỔI)
Các bài viết về bệnh lý Cơ Xương Khớp có thể bạn quan tâm
Quý khách có nhu cầu xin liên hệ Phòng khám Chuyên gia – BVQT Minh Anh …..và đặt hẹn trước để được hướng dẫn cụ thể nhất.
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh
Nguồn tin: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác