Phần 5: Basedow - tai biến và biến chứng
- Thứ bảy - 02/03/2019 07:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Cố vấn Bệnh viện quốc tế Minh Anh: trong điều trị bệnh bướu cổ Basedow, các tai biến và biến chứng thường gặp như:
1. Chảy máu trong và sau khi mổ
Là biến chứng hay gặp nhất, có tỷ lệ từ 1-2% tùy theo tác giả. Nguyên nhân thường là bướu giáp quá lớn, dính nhiều, việc chuẩn bị tiền phẫu không kỹ, không sử dụng dung dịch Lugol trước mổ. Vấn đề vô cảm không tốt hoặc do phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm trong việc phẫu tích và xử lý mạch máu đến tuyến giáp.
Tuy nhiên, chảy máu là biến chứng lành tính, hầu như không có tử vong chỉ cần theo dõi kỹ trong và sau mổ. Có trường hợp phải truyền máu hoặc mổ lại để cầm máu.
PHẦN 1: BASEDOW NHẬN DIỆN RA SAO ?
PHẦN 2: BASEDOW - CÁC XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG CẦN THIẾT
PHẦN 3: BASEDOW - CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
PHẦN 4: BASEDOW - KHI NÀO CẦN MỔ
2. Vọp bẻ do hạ Calci máu
Là biến chứng cũng thường hay gặp ở cả Việt Nam lẫn ngoại quốc, tỷ lệ dao động từ 2,7-8,5%. Nguyên nhân do làm tổn thương tuyến cận giáp trạng trong lúc mổ. Tuyến cận giáp trạng là một tuyến nội tiết có nhiệm vụ điều hoà lượng Calci trong máu, có tất cả 4 tuyến cận giáp rất nhỏ chỉ bằng hạt đậu xanh rất dễ tổn thương trong phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hay hoàn toàn bướu giáp.
Triệu chứng thường thấy là: sau mổ 2-3 ngày bệnh nhân thấy tê chân tay, mệt mỏi nhiều, thần kinh dễ bị kích thích, lo lắng v.v…nặng hơn sẽ thấy dấu hiệu đau bắp chân như vọp bẻ, bàn tay co quắp, các ngón tay rút lại theo kiểu bàn tay của người đỡ đẻ. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị bằng Calci, chỉ cần một liều thuốc Calci (thường là Calci bronat) tiêm tĩnh mạch là các triệu chứng hết ngay. Tuy nhiên triệu chứng có thể lặp đi, lặp lại nhiều lần, một thời gian có thể khỏi nhưng nhiều bệnh nhân bị hạ Calci máu vĩnh viễn.
Việc điều trị bằng cách ghép tuyến cận giáp trạng thường không mang lại hiệu quả. Chủ yếu là dùng Calci, lúc đầu là dạng tiêm tĩnh mạch, sau đo có thể thay thế bằng thuốc uống.
Hạ Calci máu có thể còn do hiện tượng chèn ép mạch máu, phù nề sau mổ của tuyến cận giáp. Với những trường hợp này, tiên lượng thường rất tốt, bệnh sẽ khỏi sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên biến chứng này ít gặp trong phẫu thuật bệnh Basedow hơn trong trường hợp mổ cho các bệnh nhân bị bướu giáp đa nhân nhiễm độc.
3. Khàn tiếng hay tiếng nói nhỏ sau mổ
Chiếm tỷ lệ 0,5% - rất thấp - tuy nhiên lại là mối lo âu hàng đầu của người bệnh, nhất là những bệnh nhân phụ nữ, trẻ tuổi. Nguyên nhân do làm tổn thương dây thần kinh quặt ngược hay dây thần kinh thanh quản trên. Biến chứng hay gặp trong những trường hợp bướu giáp lớn, chảy máu nhiều trong phẫu thuật, hay những trường hợp quanh bướu có hiện tượng viêm dính nhiều, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã điều trị không đúng phương pháp bằng cách đốt, chích, lể trên bướu.
Ngày nay với trình độ tay nghề cao của phẫu thuật viên cùng những cải tiến về kỹ thuật mổ, biến chứng này rất ít xảy ra. Việc khàn tiếng cũng có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn.
4. Cơn bão giáp trạng
Là một biến chứng nặng, có thể đưa đến tử vong. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị phẫu thuật chưa tốt, bệnh nhân được mổ trong tình trạng chưa bình giáp hoàn toàn. Sau mổ, bệnh nhân sốt cao 40-41O C, rối loạn tâm thần, kích động, mạch rất nhanh có khi lên đến 160-170 lần/phút, v.v… nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể đưa đến tử vong.
Việc điều trị những trường hợp này hiện đã khá hữu hiệu vì có thuốc và phương pháp điều trị tối ưu. Vấn đề cơ bản là phát hiện và xử trí kịp thời. Hiện nay với những phương pháp đánh giá bệnh nhân hữu hiệu, chuẩn bị phẫu thuật tốt, biến chứng này hầu như không thấy xảy ra nữa.
Trong quá trình điều trị, nên xem xét chỉ định phẫu thuật cho những bệnh nhân trong nhóm có khả năng không khỏi với điều trị nội khoa hoặc bệnh Basedow có bướu cổ lớn độ III cho dù có hay không các dấu hiệu chèn ép vào các cơ quan lân cận. Tùy từng bệnh nhân nên xem xét thêm các yếu tố về thẩm mỹ, xã hội, nghề nghiệp và kinh tế để có chỉ định phẫu thuật thích hợp.
Trước khi quyết định phẫu thuật nên điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Thời gian điều trị nội khoa trước phẫu thuật chỉ nên kéo dài không quá 6 tháng.
►Lồi mắt trong bệnh bướu cổ cường giáp
►Săn sóc sau phẫu thuật cắt tuyến giáp qua nội soi
►Chuyên đề bướu giáp: Nhận diện bướu lành, bướu độc ?