Cảnh giác với bệnh liên cầu lợn ở người

Thứ năm - 30/11/2023 13:54
Liên cầu lợn ở người là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra, lan truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Do vệ sinh an toàn thực phẩm kém, căn bệnh này đang bùng phát, cướp đi sinh mạng nhiều người do sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng…
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Những ca bệnh thương tâm từ  nhiễm khuẩn S. suis

Báo chí trong nước những ngày cuối tháng 8-2023 đưa tin, một bệnh nhân nam, 50 tuổi có tiền sử mắc bệnh gout nhiều năm, được đưa vào khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - BV Đại học Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao và khó thở trầm trọng.

Khi vào viện phải thở oxy kính, SpO2 88%, mạch 180 l/ph, huyết áp 110/70 mmHg, nhịp thở 50l/ph, nổi vân tím toàn thân, ý thức kích thích vật vã. Xét nghiệm nhanh khí máu động mạch cho thấy có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm khuẩn. Người bệnh được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. Tiên lượng rất nặng, diễn biến ngày một xấu, trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2h vào viện thì ngừng tuần hoàn và người bệnh tử vong.

Đây không phải là ca đầu tiên mà trước đó, hồi trung tuần tháng 5/2023 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đó là nam bệnh nhân 48 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội làm nghề giết mổ lợn. 2 ngày sau khi tham gia giết mổ lợn bệnh, anh này bị sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến BV Đa khoa huyện Ba Vì, chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến BV Quân y 105.Do nghiêm trọng, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Đây là một trong 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà CDC Hà Nội ghi nhận trong thời gian gần đây. CDC Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm này ghi nhận 5 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 ca tử vong.  Tại Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003. Chỉ trong hai năm 2005 - 2006, có 72 trường hợp nhiễm S.suis nhập BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh...

2. Bệnh Streptococcus suis, điều trị và phòng tránh

Bệnh liên cầu lợn S. suis  rất đa dạng, gồm viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết…, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%.

Streptococcus suis là một loại vi khuẩn gram dương, hình hạt lạc và là mầm bệnh quan trọng ở lợn. Đặc hữu ở hầu hết các quốc gia có ngành chăn nuôi lợn rộng khắp, S. suis cũng là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhất là từ lợn sang người. Con người có thể bị nhiễm S. suis khi xử lý xác hoặc thịt lợn bị nhiễm bệnh, đặc biệt là khi tiếp xúc với các vết cắt và vết trầy xước trên tay.  Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Nhiễm trùng ở người có thể nghiêm trọng, với các hậu quả có thể là viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc và điếc.

Việc phát hiện vi khuẩn gây bệnh S. suis từ động vật đã được thực hiện bằng cách sử dụng các hạt glyco từ tính. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết . Khi nhiễm khuẩn huyết, người bệnh còn có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần, phân có máu.

Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao. Hầu hết các chủng S. suis đều đáp ứng với điều trị bằng ampicillin và amoxicillin. Thuốc chống viêm cũng có thể được sử dụng. 

Cách phòng nhiễm bệnh liên cầu lợn: Trước tiên là kiểm soát dựa vào các quy trình chăn nuôi tốt, an toàn sinh học và khử trùng thích hợp. Đối với người nên:

- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn.

- Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người từ  chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ thịt…
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?