Cấy ghép máu dây rốn thay tế bào gốc tạo máu và các tế bào tiền thân cho bệnh nhân nhi hay người lớn mắc khối u ác tính huyết học khi không có nguồn hiến tặng phù hợp, và là giải pháp tối ưu cho “vô phương cứu chữa”. Ghép tế bào gốc từ máu dây rốn là gì và những điều cha mẹ cần biết để lưu trữ máu dây rốn cho con mình.
Ca cấy ghép máu dây rốn đầu tiên trên thế giới giờ ra sao?
Trang tin y học trực tuyến Úc Parentsguidecordblood (PGC) số ra gần đây phỏng vấn anh Matt Farrow, ở North Carolina (Mỹ), bệnh nhân nhận ca cấy ghép máu dây rốn đầu tiên trên thế giới, khi mới 5 tuổi do mắc bệnh thiếu máu. Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 6/10/1988.
Sự kiện tiên phong này là một tiến bộ “sáng chói” trong y học cấy ghép. Farrow nhận vật liệu hiến tặng từ em gái ruột mới sinh. Tiến sĩ Hal Broxmeyer là người lưu giữ vật liệu dây rốn và thực hiện ca cấy ghép tại Bệnh viện Saint-Louis của Pháp ở Paris cùng với đồng nghiệp là bác sĩ Eliane Gluckman. Matt Farrow hiện đã lập gia đình và có con.
Theo cuộc phỏng vấn PGC thực hiện, qua câu chuyện của bản thân, Matt Farrow muốn mọi người nâng cao nhận thức và hiểu biết về máu cuống rốn vì có nhiều người không biết tầm quan trọng của vật liệu này, nhất là nhóm người mắc bệnh thiếu máu Fanconi ( Fanconi Anemia - FA). Matt Farrow tâm sự, nhờ máu dây rốn của em gái mà anh đã chữa khỏi bệnh suy tủy xương do FA gây ra.
“Tôi ước gì truyền thông đề cập nhiều hơn về lĩnh vực máu cuống rốn để các bậc phụ huynh tương lai có thêm kiến thức phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là nhóm bệnh hiếm gặp khiến nhiều gia đình lo lắng khi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, trong đó có công nghệ tế bào gốc”, Matt Farrow nói trước khi kết thúc phỏng vấn.
Đôi nét về cấy ghép máu dây rốn
Cấy ghép máu dây rốn (Umbilical cord blood transplantation- CBT) là nguồn thay thế tế bào gốc tạo máu HSC (Hematopoietic stem cells) và các tế bào tiền thân cho bệnh nhân mắc các khối u ác tính huyết học mà không có nguồn hiến tặng phù hợp.
Máu cuống rốn có vai trò quan trọng và ngày càng tăng trong điều trị bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và các bệnh đe dọa tính mạng khác, bởi vì các bậc cha mẹ đã hào phóng quyết định hiến máu cuống rốn của con mình cho ngân hàng máu cuống rốn công cộng.
Cách thu thập máu dây rốn để cấy ghép Máu cuống rốn là một trong ba nguồn tế bào tạo máu được sử dụng trong cấy ghép. Hai nguồn còn lại là tủy xương và tế bào gốc máu ngoại vi. Mỗi gia đình hiến máu cuống rốn của con sau khi sinh đều mang lại hy vọng cho người bệnh. Nó miễn phí và an toàn cho mẹ và bé.
Máu được lấy từ dây rốn – không phải từ em bé – ngay sau khi sinh. Máu cuống rốn hiến tặng được xét nghiệm, đông lạnh và lưu trữ dưới dạng đơn vị máu cuống rốn tại ngân hàng máu cuống rốn công cộng để sử dụng trong tương lai.
Máu dây rốn đang được sử dụng cho nhiều bệnh nhân hơn, cả trẻ em và người lớn, mặc dù nó được sử dụng thường xuyên hơn ở trẻ em. Điều này là do một đơn vị máu dây rốn có số lượng tế bào tạo máu hạn chế. Những bệnh nhân nhỏ hơn, chẳng hạn như trẻ em, thường sẽ nhận đủ tế bào từ một đơn vị máu cuống rốn. Những bệnh nhân lớn hơn cần nhiều tế bào hơn và đôi khi sẽ nhận được hai hoặc nhiều đơn vị máu dây rốn kết hợp.
Tại sao bác sĩ có thể chọn máu cuống rốn ?
Bác sĩ có thể chọn máu cuống rốn để cấy ghép vì:
Máu dây rốn không nhất thiết phải phù hợp với bệnh nhân như máu của người hiến tặng tủy, vì vậy nó có thể là một lựa chọn cho những bệnh nhân có loại mô không phổ biến.
Các đơn vị máu cuống rốn được lưu trữ và sẵn sàng sử dụng, vì vậy nó sẽ nhanh chóng có sẵn khi bệnh nhân cần cấy ghép ngay lập tức.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng biến chứng cấy ghép được gọi là bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ (GVHD) ít phổ biến hơn và ít nghiêm trọng hơn sau khi cấy ghép máu dây rốn so với sau khi cấy ghép bằng cách sử dụng tế bào gốc máu ngoại vi (PBSC).
Nếu bạn đang mong có con hoặc biết ai đó đang mang thai, hãy tìm hiểu xem bạn có thể hiến máu cuống rốn của con mình cho ngân hàng máu cuống rốn công cộng để mang lại hy vọng cho bệnh nhân hay không.
Các ưu điểm khác của máu dây rốn đối với ghép tế bào tạo máu là chúng ta dễ dàng thu thập máu dây rốn ngay sau khi em bé được sinh ra và có thể lưu trữ máu dây rốn để sử dụng cho bệnh nhân khác hoặc sử dụng cho chính em bé và cho các thành viên trong gia đình trong tương lai. Máu dây rốn đã được sử dụng để cấy ghép cho hơn 40.000 bệnh nhân với tỷ lệ thành công tương đương với những người được cấy ghép với tủy xương hoặc máu ngoại vi.