U tế bào tiết insulin – bệnh lý gây tụt đường huyết có gây nguy hiểm đến tính mạng ?
- Thứ ba - 30/01/2024 14:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Chuyên khoa Nội; Nội tiết
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
1. Tụt đường huyết sau khi bỏ bữa sáng
Anh N.H.H. (40 tuổi, ở TP.HCM) 15 năm nay thường xuyên co giật, hôn mê khi bỏ ăn nên mọi người tưởng anh bị động kinh. Và sáng 5/3/2023, anh H thấy mệt nên bỏ bữa ăn, vùi vào chăn ngủ thêm chút nữa. Đến khi gia đình gọi ra ăn trưa, phát hiện thấy đang trong tình trạng hôn mê, tay chân co giật nên đưa đi cấp cứu.
Theo các bác sĩ điều trị, anh H được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tay chân co giật. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết tụt đến mức báo động, chỉ còn 23,4 mg/dl hay 1,3 mmol/l, người dân ta quen gọi là phẩy (bình thường 90-130 mg/dl (5- 7 mmol/l trước ăn) và 180mg/dl sau ăn (10 mmol/l). Từ đây , bác sĩ xác định người bệnh hạ đường huyết nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật nên chỉ định truyền dịch glucose, theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp thở. Sau 10 phút, người bệnh hồi tỉnh, chức năng não không bị ảnh hưởng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, người bệnh có tiền sử hạ đường huyết liên tục, không bị tiểu đường nên nghĩ nhiều đến tuyến tụy gây tiết insulin bất thường. Dựa vào kết quả chụp MSCT, anh H. được chẩn đoán bị u tụy nội tiết hay u tế bào tiết insulin (insulinoma). Khối u có kích thước 2,43 cm, do tiết insulin quá nhiều gây hạ đường huyết nghiêm trọng. Insulinoma là dạng u thần kinh nội tiết hiếm gặp, 90% bệnh nhân bị u tụy nội tiết insulin lành tính, chỉ 10% ca ác tính và triệu chứng điển hình của bệnh là hạ đường huyết lúc đói.
2. U tế bào tiết insulin là gì?
Insulinoma là một trong một số khối u thần kinh tuyến tụy (pNET) hoặc khối u tế bào đảo. Đây là những khối u hiếm bắt đầu trong các tế bào nội tiết của tuyến tụy. Chúng ảnh hưởng đến tế bào nội tiết giải phóng insulin, loại hormone giữ cho lượng đường trong máu (đường huyết) ổn định . Hơn 90% u insulin là khối u lành tính, nghĩa là chúng không lan ra ngoài tuyến tụy.
Insulinoma ảnh hưởng đến cơ thể theo cơ chế như sau: Insulinomas giải phóng insulin, hormone giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Nến bị insulinomas cơ thể có thể tràn ngập insulin. Khi điều đó xảy ra, có thể rơi vào hôn mê, tim đập nhanh, ngất xỉu hoặc lên cơn co giật.. như trường hợp bệnh nhân H nói trên. Insulinomas có thể trở thành ác tính, lan từ tuyến tụy sang các vùng khác trên cơ thể bạn như đến gan hoặc các hạch bạch huyết nhưng cực kỳ hiếm gặp.
Ung thư tuyến tụy là ung thư trong chính tuyến tụy, ung thư tuyến tụy thường đề cập đến ung thư biểu mô tuyến tụy, thường phát triển trong ống dẫn tuyến tụy. Còn insulinoma là một khối u thần kinh nội tiết trong các tế bào beta (nội tiết) trong tuyến tụy của cơ thể.
Sự khác biệt giữa insulinoma và bệnh tiểu đường ở chỗ ở bệnh tiểu đường, tuyến tụy không tạo ra đủ insulin để duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh hoặc cơ thể bạn không xử lý insulin mà tuyến tụy của bạn tạo ra và tiết ra. Khi điều đó xảy ra, lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nếu mắc insulinomas, cơ thể bạn đang tạo ra quá nhiều insulin, khiến lượng đường trong máu của bạn giảm xuống.
3. Nguyên nhân gây bệnh u tế bào tiết insulin
Cho đến nay do cơ địa, lối sống mỗi người một khác, vì vậy khoa học vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân gây insulinoma. Nhưng insulinoma có liên quan đến các hội chứng và tình trạng như đa u nội tiết loại 1 (MEN1); Hội chứng Von Hippel-Lindau; U xơ thần kinh loại 1 (NF1); Phức hợp xơ cứng củ (TCS), đây là một tình trạng di truyền có thể gây ra chứng động kinh, khối u (thường là lành tính) và sự phát triển của da.
Các triệu chứng điển hình của insulinoma là tạo ra nhiều insulin, hormone làm giảm lượng đường trong máu và gây các triệu chứng như đường huyết thấp, suy yếu, lú lẫn, đổ mồ hôi, loạn nhịp tim, mất ý thức, hôn mê và co giật.
Để chẩn đoán bác sĩ cho làm số xét nghiệm để chẩn đoán, bắt đầu bằng khám sức khỏe và tiền sử bệnh. Xét nghiệm đường huyết cho thấy bị insulinoma bác sĩ sẽ kiểm tra mức insulin trong máu. Những xét nghiệm cần làm như chụp cắt lớp vi tính (CT); chụp cộng hưởng từ (MRI); siêu âm nội soi (EUS). Nếu xét nghiệm hình ảnh không cung cấp đủ thông tin, bác sĩ sẽ cho lấy mẫu mô và tế bào tuyến tụy để kiểm tra mô và tế bào dưới kính hiển vi.
Hầu hết các ca insulinoma có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật để loại bỏ khối u insulinoma mà không cắt vào nó. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tụy; phẫu thuật Whipple. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị nào khác như liệu pháp hạt nhân phóng xạ thụ thể peptide (PRRT), tiêm một loại thuốc vào máu. Thuốc kết hợp các nguyên tử phóng xạ và axit amin để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào insulinoma hay liệu pháp nhắm mục tiêu; hóa trị v.v.
4. Phòng ngừa u tế bào tiết insulin
Thật không may, không có cách nào có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro insulinoma. Insulinoma xảy ra khi các tế bào nội tiết trong tuyến tụy tạo ra insulin bắt đầu nhân lên một cách không kiểm soát và đến nay khoa học vẫn chưa hiểu vì sao lại xuất hiện hiện tượng này. Điều đó có thể hiểu insulinoma liên quan đến một số yếu tố di truyền. Nếu ai đó có tiền sử gia đình mắc bệnh thì nên tư vấn bác sĩ sớm, để can thiệp càng sớm càng tốt.
Mặc dù không thể ngăn chặn sự phát triển của insulinoma, nhưng có thể ngăn ngừa ảnh hưởng. Nên theo dõi những thay đổi trong cơ thể, bao gồm cả những dấu hiệu khi lượng đường trong máu thấp. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh insulinoma, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị, đặc biệt là can thiệp bằng phẫu thuật.