Tương tác thuốc
- Thứ sáu - 29/05/2020 08:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiềm ẩn trong đó là nguy cơ xảy ra những phản ứng có hại không mong muốn do tương tác thuốc. Một phản ứng được coi là tương tác thuốc khi hiệu quả của thuốc này bị thay đổi do có sự hiên diện của một thuốc khác, thảo dược, thức ăn, thức uống hay các tác nhân hóa học trong môi trường.
Về mặt cơ chế, tương tác thuốc được chia làm 2 loại, bao gồm tương tác dược động học và tương tác dược lực học:
Tương tác dược động học là sự tương tác làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc trong cơ thể, chẳng hạn như việc sử dụng các thuốc kháng acid trong điều trị viêm dạ dày sẽ làm giảm hấp thu mạnh các kháng sinh như levofloxacin, tetracycline, do sự hình thành phức chất giữa các hoạt chất có trong thuốc.
Tương tác dược lực học là sự đối kháng hoặc hiệp đồng về tác dụng dược lý của các thuốc với nhau, như việc sử dụng chung nhiều thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, gồm các thuốc kháng histamin H1, các thuốc giảm đau opioid, các thuốc chống trầm cảm hay thuốc ngủ… sẽ làm tăng tác dụng an thần quá mức dẫn đến tăng nguy cơ té ngã ở những bệnh nhân cao tuổi.
Bên cạnh các tương tác giữa thuốc và thuốc, thức ăn cũng là một yếu tố có ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng thuốc trong điều trị: Các thức uống như sữa, trà khi dùng chung sẽ làm giảm hấp thu một số kháng sinh; caffein có thể làm tăng độc tính của thuốc trị hen theophylline; các thức uống có cồn như bia, rượu cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của các kháng sinh, các thuốc điều trị đái tháo đường hay các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, nguy cơ này cao hơn ở những người cao tuổi.
Hầu hết các tương tác thuốc có thể đưa đến một trong hai hệ quả sau: làm giảm nồng độ thuốc trong máu, giảm hiệu quả điều trị, hoặc ngược lại làm tăng nồng độ thuốc, tăng độc tính và các phản ứng có hại, dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Trên lâm sàng, các bác sĩ luôn cân nhắc sao cho liệu pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất, đồng thời phải giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều tương tác nằm ngoài dự đoán của các bác sĩ do khả năng xảy ra tương tác còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: di truyền, sinh lý, bệnh lý..của từng bệnh nhân, hoặc các tương tác chưa từng được ghi nhận trong y văn. Do đó, để giảm nguy cơ tương tác thuốc và các phản ứng có hại, nhân viên y tế cần lưu ý những điểm sau trên thực hành lâm sàng:
- Luôn cân nhắc nguy cơ xảy ra tương tác thuốc khi sử dụng từ 2 thuốc trở lên. Tra cứu tương tác thuốc thông qua các công cụ trực tuyến, các phần mềm cài đặt sẵn hoặc các y văn.
- Nâng cao cảnh giác dược, ghi nhận và báo cáo các phản ứng có hại trong quá trình điều trị để bổ sung dữ liệu an toàn của thuốc.
- Tìm cách thay thế thuốc có nguy cơ tương tác bằng các thuốc khác có tác dụng dược lý tương tự. Đối với các thuốc tương tác với nhau về mặt hấp thu, thời điểm dùng của mỗi thuốc nên được cách xa nhau.
- Điều chỉnh liều của thuốc tương tác. Ví dụ: giảm liều của thuốc có nguy cơ bị tương tác tăng nồng độ, và theo dõi tính khả năng đáp ứng, tính an toàn của thuốc.
- Khai thác kỹ tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.
- Mặc dù cơ sở dữ liệu về tương tác thuốc khá phong phú, nhưng điều đó cũng không thể thay thế vai trò của dược sĩ lâm sàng trong việc tư vấn cho bác sĩ, điều dưỡng và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Yêu cầu này đòi hỏi người dược sĩ phải trang bị và thường xuyên cập nhật thông tin về tương tác thuốc để góp phần nâng cao sự hợp lý trong sử dụng thuốc.
Tại BVQT Minh Anh, dược sĩ lâm sàng có nhiệm vụ duyệt từng toa thuốc ngoại trú, khi thấy có tương tác thuốc, nếu không nguy hiểm sẽ dặn bệnh nhân lưu ý khi dùng thuốc, còn nếu nguy hiểm người dược sĩ sẽ báo ngay cho bác sĩ kê toa. Tuy nhiên điều này khó xãy ra, vì các tương tác nguy hiểm, dược sĩ lâm sàng đều phải báo cáo cho các bác sĩ biết trong các buổi giao ban, đồng thời sau đó sẽ gửi thêm tin nhắn đến từng bác sĩ.
Thuốc là một điều trị cần thiết trong hầu hết các trường hợp, và thường một toa thuốc là sự kết hợp của 2, 3 loại thuốc hoặc nhiều hơn. Để không gặp phải những tác dụng không mong muốn vì tương tác thuốc, về phía người bệnh cũng cần lưu ý những điểm sau đây:
- Tuân thủ thời điểm sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Chỉ nên uống thuốc với nước lọc, không nên dùng chung thuốc với sữa, trà, cà phê hay các chế phẩm có cồn.
- Thông báo với bác sĩ về tiền sử dùng thuốc, các tác dụng phụ trong quá trình điều trị để được xem xét và lựa chọn thuốc phù hợp.
- Không tự ý dùng thêm thuốc hay các chế phẩm bổ sung, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu có thành phần hoạt chất phứctạp, các dữ liệu về độ an toàn, tương tác thuốc khi dùng chung với các tân dược còn hạn chế.