Suy tĩnh mạch - Sinh lý bệnh và các ghi nhận lâm sàng
- Thứ sáu - 21/02/2020 13:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PS TS Nguyễn Hoài Nam
Giảng viên cao cấp Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
BV Quốc tế Minh Anh
Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP Hồ Chí Min
Giãn tĩnh mạch nguyên phát là một sự giãn và kéo dài của một đoạn tĩnh mạch, kèm theo sau đó là mất đi chức năng cản máu chảy ngược về các van tĩnh mạch. Còn giãn tĩnh mạch thứ phát chỉ xuất hiện khi thứ tự các triệu chứng trên đảo ngược lại (có nghĩa là do mất đi chức năng kìm hãm máu chảy ngược về van tĩnh mạch, nên dẫn đến sự giãn và kéo dài của một đoạn mạch).
Về phương diện bệnh học, giãn tĩnh mạch có thể được phân loại như sau:
- Nguyên phát hay vô căn
- Thứ phát sau một quá trình bị viêm tĩnh mạch.
- Do có thai, ví dụ, giãn tĩnh mạch xuất hiện do những tác dụng của nội tiết tố và do tử cung chèn ép vào tĩnh mạch.
- Do rối loạn độ đàn hồi của tĩnh mạch với nguyên nhân là dị dạng bẩm sinh ở tĩnh mạch như: những chít hẹp của hệ thống tĩnh mạch sâu hay rò động tĩnh mạch.
Như vậy sự mất chức năng kìm hãm của các van tĩnh mạch đã gây ra hiện tượng giãn tĩnh mạch. Sự suy yếu của lớp cơ trơn thành tĩnh mạch có thể làm cho lỗ van rộng ra hay các mép van có thể bị phá hủy bởi quá trình viêm nhiễm ban đầu.
Sự mất đi chức năng kìm hãm máu chảy ngược xuống của các van tĩnh mạch có thể xuất hiện như là một hậu quả của sự biến đổi các yếu tố sinh hóa trên thành tĩnh mạch, hay do quá tải về mặt huyết động (ví dụ rò động tĩnh mạch bẩm sinh hay mắc phải). Sự mất đi chức năng kìm hãm của van, sẽ dẫn tới tình trạng một luồng máu bị trào ngược trở xuống, dài hay ngắn còn tùy thuộc xem nó xảy ra ở các lổ đổ tĩnh mạch lớn (chỗ nối ở tĩnh mạch hiển trong và tĩnh mạch hiển dài) hay trong các nhánh tĩnh mạch thông nối.
Bệnh này có xu hướng trở nặng từ từ. Việc thăm khám thực thể nên được tiến hành lúc bệnh nhân đứng thẳng 2 chân. Chỉ có một dụng cụ luôn cần thiết, đó là một dây garo và một cái bục có 2 bậc để thăm khám bệnh nhân.
Khi thăm khám nên chú ý quan tâm các điều sau:
- Sự hiện diện các tĩnh mạch giãn và nhận diện về mặt giải phẫu học (đường đi của tĩnh mạch hiển trong/hiển ngoài; các tĩnh mạch bàng hệ, các nhánh tĩnh mạch xuyên ở cẳng chân, tuần hoàn bàng hệ).
- Hình thức phù chân (ở cẳng chân, cẳng chân và/ hoặc bắp đùi)
- Các thay đổi biến dưỡng (rối loạn sắc tố da; viêm da hạ bì tăng sinh hoặc teo lại; loét; những mảng da thiểu dưỡng vô sắc tố).
- Sự hiện diện các u mạch máu ở da.
Sờ nắn để đánh giá độ chắc ở vùng chi dưới và đặc biệt là bắp chân.
Các kỹ thuật khám này được thực hiện khi bệnh nhân nằm xuống và đầu gối thì cong lại giúp khối cơ mềm hơn. Người thấy thuốc nên vỗ nhẹ nhẹ vào vùng bắp chân và mặt sau của đùi bằng cả 2 tay. Thủ thuật này nên được thực hiện cùng lúc trên cả 2 chân để phát hiện xem có sự khác biệt nào giữa 2 bên.
Trong quá trình làm thủ thuật này với các ngón tay, người thầy thuốc sẽ gõ nhẹ các ngón tay lên các bên của tĩnh mạch xuyên như là đang chơi một nhạc cụ có dây, di chuyển liên tục dọc theo chân bệnh nhân để phát hiện xem bệnh nhân có đau không? Và chú ý tìm xem những khác biệt nhỏ ở độ chắc của 2 chân do có sự hiện diện cục máu đông hay đang hình thành cục máu đông.
Mức độ của phù chân hiện tại có thể được đánh giá dựa trên độ lõm khi ta ấn và chỗ phù. Cùng lúc đó, lòng bàn tay của người bác sĩ cũng nên cảm nhận nhiệt độ ở vùng đang sờ nắn (ví dụ nhiệt độ thấp thì liên quan đến vấn đề bạch huyết trong khi nhiệt độ tăng thì cho thấy hội chứng giãn tĩnh mạch).
Khi bệnh nhân đứng dậy, thì sờ nắn đường đi của các tĩnh mạch giãn bằng cách gõ nhẹ nhẹ các ngón tay (từ ngón trỏ đến ngón út) để đánh giá độ căng ở những tĩnh mạch sưng phồng lên và xem có hiện diện những huyết khối hay không, vì đó chính là những dấu hiệu của bệnh sử viêm tĩnh mạch bị giãn. Những thủ thuật thăm khám sau đó có thể được dùng để phát hiện sự mất chức năng kìm hãm của các van tĩnh mạch vị trí cao (ví dụ tĩnh mạch hiển trong).
1. Thủ thuật Schwatz
Vỗ nhẹ nhẹ vào tĩnh mạch giãn bằng 1 tay và cảm nhận sóng lan truyền tạo ra bằng tay kia để phía dưới. Nếu sóng trào ngược được cảm nhận ở tay để dưới, đây là một dấu hiệu của sự mất chức năng kìm hãm của van tĩnh mạch.
2. Thủ thuật yêu cầu bệnh nhân ho:
Yêu cầu bệnh nhân ho và dùng cả bàn tay để vào chỗ nối ở tĩnh mạch hiển trong và nhánh trên của nó (tĩnh mạch đùi). Trong trường hợp có sự mất chức năng của van tĩnh mạch, thì ta sẽ cảm nhận được sự rung của tĩnh mạch, khi dòng máu trào ngược xuống ngay sau bệnh nhân dứt tiếng ho. Thủ thuật này cũng có thể được thực hiện dọc theo đường đi của các tĩnh mạch bàng hệ bị giãn phía trên tại vùng đùi bệnh nhân, để phát hiện xem đầu nào là đầu được nối vào lỗ tĩnh mạch hiển đùi.
3. Thủ thuật Trendelenburg
Cho bệnh nhân nằm ngửa, giơ chân lên cao để làm xẹp hết các tĩnh mạch giãn. Dùng dây garo buộc chặt ở trên đùi bệnh nhân để chống lại sự trào ngược xuống tĩnh mạch hiển, rồi yêu cầu bệnh nhân đứng dậy. Nếu các tĩnh mạch giãn không tái xuất hiện khi buộc dây garo, nhưng nếu chúng lại phồng lên nhanh chóng khi tháo dây garo thì điều này cho thấy các van tĩnh mạch tại chỗ nối bị mất chức năng. Tuy nhiên, các tĩnh mạch giãn có thể phồng lên lại rất từ từ nếu có vài tĩnh mạch xuyên bị mất van, ngay khi vẫn còn thắt garo. Trong trường hợp này, thì cần thiết làm tiếp nghiệm phát Perthe: buộc dây garo phía trên đầu gối bệnh nhân khi bệnh nhân đứng rồi đề nghị bệnh nhân đi bộ hay đứng nhón gót lặp đi, lặp lại. Nếu đoạn giãn tĩnh mạch (đề cập ở trên) xẹp xuống, thì chức năng van tĩnh mạch xuyên còn tốt và tuần hoàn ở tĩnh mạch sâu vẫn như trước.
Các bài viết về bệnh suy tĩnh mạch có thể bạn quan tâm
►GIẢI PHẪU HỌC TĨNH MẠCH CHI DƯỚI
►CÁC DỮ LIỆU DỊCH TỄ HỌC CỦA BỆNH SUY TĨNH MẠCH
►BỆNH BÉO PHÌ VÀ SUY TĨNH MẠCH
►BIẾN CHỨNG CỦA SUY GIÃN TĨNH MẠCH
Để được tư vấn và hỗ trợ khám tĩnh mạch, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh