Sỏi thận, đừng để quá muộn !
- Thứ hai - 26/08/2019 08:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ hai sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, có thể thấy bệnh thận đang là gánh nặng cho người bệnh, nguy cơ tai biến cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị hợp lý trước khi dẫn đến suy thận.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho điều trị là từ chính người bệnh khi không chủ động đi khám bệnh, hoặc tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, nghe người này, thầy lang nọ uống hết lá này đến cây khác cho đến lúc gặp bác sĩ chuyên khoa thì mọi chuyện đã quá muộn.
Hi vọng rằng với những thông tin về bệnh sỏi thận dưới đây, mỗi người chúng ta có ý thức hơn trong việc đi khám định kỳ và nghe lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa khi có bệnh hoặc các biểu hiện liên quan đến bệnh thận.
1. Bệnh sỏi thận là bệnh gì?
Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Quá trình này được gọi là quá trình tạo sỏi thận. Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô.
Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu – từ thận đến bàng quang của bạn.
2. Triệu chứng thường gặp
Khoảng một phần ba dân số bị sỏi thận, nhưng chỉ một nửa trong số này có triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, những viên sỏi có thể gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như nhiễm trùng và nghẽn dòng chảy nước tiểu.
Khi những viên sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện. Các triệu chứng thường gặp nhất là đau đớn dữ dội (cơn đau quặn thận) xuất hiện sau đó biến mất và thường di chuyển từ hông lưng đến bụng dưới mặt trong đùi và đến bìu . Những triệu chứng khác bao gồm:
- Đau lưng, đùi, bẹn, cơ quan sinh dục;
- Tiểu máu;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Ớn lạnh;
- Sốt;
- Cơn đau quặn thận thường xuyên
3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu có những triệu chứng trên. Đặc biệt bạn phải tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay nếu có các triệu chứng như:
- Cơn đau nghiêm trọng tới mức bạn không thể ngồi im;
- Cơn đau đi kèm buồn nôn và nôn mửa;
- Đau kèm sốt và ớn lạnh;
- Nước tiểu có máu;
- Khó tiểu.
4. Nguyên nhân gây bệnh
Những viên sỏi có thể hình thành nếu nước tiểu có chứa quá nhiều các hóa chất nhất định, chẳng hạn như canxi, axit uric, cystine hay sỏi struvite (một hỗn hợp của phosphate, magnesium và amoni). Chế độ ăn uống có lượng protein cao và uống quá ít nước có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Khoảng 85% sỏi thận được hình thành từ canxi. Ngoài ra, còn có sỏi axit uric xảy ra thường xuyên hơn nếu có bệnh Gout. Sỏi struvite thường hình thành trong nước tiểu bị nhiễm trùng (sỏi nhiễm trùng).
5. Nguy cơ mắc phải
Sỏi thận là một bệnh khá phổ biến. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận, tuy nhiên bệnh thường gặp ở người tầm 40 tuổi trở lên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Các nguy cơ có thể kể đến:
- Có người trong gia đình bị bệnh sỏi thận;
- Ăn quá nhiều muối hoặc đường;
- Béo phì;
- Bệnh hoặc phẫu thuật về đường tiêu hóa chẳng hạn như: viêm ruột, hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa, từ đó ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi và nước của cơ thể;
- Mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cystinuria, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một số loại thuốc điều trị.
6. Các biến chứng do sỏi thận
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Khi viên sỏi dạng san hô nhiều cạnh sắc nằm ở thận, hoặc di chuyển từ thận xuống niệu quản, niệu đạo, chúng cọ vào niêm mạc gây tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Viêm bể thận cấp
Trường hợp nhiễm khuẩn bể thận nặng sẽ dẫn đến cơn viêm bể thận cấp. Đôi khi viêm bể thận cấp có thể do vi khuẩn đi ngược dòng từ niệu quản, gây các ổ viêm trên thận.
Viêm bể thận mạn tính
Viêm bể thận mạn tính là hậu quả của viêm bể thận cấp tái đi tái lại nhiều lần hoặc kéo dài, dẫn đến tình trạng xơ hóa tổ chức kẽ thận, làm giảm chức năng tái hấp thu của thận. Lâu dài, xơ hóa cả cuộn mao mạch cầu thận, gây suy giảm chức năng lọc của thận.
Ứ nước bể thận
Tùy mức độ ứ nước mà mức độ nguy hiểm cũng sẽ khác nhau, thường xảy ra khi viên sỏi ở nhóm đài thận gây ứ nước một phần thận hoặc sỏi ở niệu quản gây ứ nước toàn thận và niệu quản. Khi đó thận, niệu quản bị giãn rộng, nếu kéo dài quá 6 tuần thì nhu mô thận khó có thể phục hồi. Nguy hiểm hơn, khi ứ nước, tắc nghẽn, sẽ làm tăng áp lực lọc, từ đó làm tăng Prostaglandin gây co mạch thận, làm thận thiếu máu, nhiều ống thận sẽ bị teo và tủy thận bị hủy hoại.
Ứ mủ bể thận
Trong trường hợp viêm bể thận nặng, không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ứ mủ. Biến chứng này là một cấp cứu nội khoa nặng, có thể hủy hoại nhanh nhu mô thận.
Suy thận cấp
Nếu hai quả thận đều bị bế tắc cùng một lúc, bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng không có một giọt nước tiểu nào cả, biến chứng này nếu kéo dài trong vài ngày có thể dẫn đến tử vong.
Suy thận mãn
Suy thận là hậu quả nghiêm trọng và nặng nề mà sỏi gây ra, các tổ chức nhu mô thận bị xơ hóa dần dần. Tình trạng suy thận sẽ xuất hiện, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp tốn kém để duy trì sự sống như chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Vỡ thận
Vỡ thận có thể xảy ra khi thận bị ứ nước to, vách thận mỏng. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm gặp.
►ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN (theo dõi tại số tiếp theo ngày 28/8/2019)