BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH

https://www.minhanhhospital.com.vn


Những thời điểm dễ xảy ra đột quỵ nhất

Theo các chuyên gia tim mạch, khi thời tiết quá lạnh, quá nóng, chuyển giao mùa kèm với khí hậu ẩm ướt là yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến đột quỵ nhất. Hiểu được nguyên lý này giúp chúng ta phòng tránh, chữa trị tốt hơn.
BS Đạt
ThS.BS. TRẦN TẤN ĐẠT
Chuyên khoa Tim mạch – Lão khoa
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Trong ngày

Cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều có khả năng xảy ra vào sáng sớm - cụ thể là khoảng 6:30 sáng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học y khoa Oregon đã xem xét những thay đổi về mức độ của một loại protein nhất định có tác dụng ức chế sự phân hủy cục máu đông, do đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Protein này, gọi là chất ức chế hoạt hóa Plasminogen-1 (PAI-1) được quan sát thấy đạt nồng độ đỉnh vào lúc 6:30 sáng ở những người tham gia nghiên cứu, điều này cho thấy đồng hồ sinh học bên trong của những người tham gia (chứ không phải lịch trình hằng ngày của từng cá nhân) chịu trách nhiệm điều chỉnh sự gia tăng của protein PAI-1.

2. Trong tuần

Theo nghiên cứu dài 40 năm công bố trên tạp chí Stroke,  ngày trong tuần dễ bị bị đột quỵ nhất là thứ Hai. Nhưng đột quỵ không phải là tình trạng duy nhất diễn ra vào 1 ngày. Theo một nghiên cứu được công bố trên  Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu,  các cơn đau tim ở nam giới có khả năng xảy ra vào thứ Hai cao hơn 20% so với bất kỳ ngày nào khác trong tuần và ở phụ nữ, tỷ lệ này là 15%. Nghiên cứu phát hiện thấy việc tiêu thụ nhiều rượu, dùng đồ ăn mặn,u mỡ là những thủ phạm gia tăng đột quỵ vào ngày thứ Hai.

3. Trong năm

Ngoài ‘hiệu ứng thứ Hai’, tỷ lệ đột quỵ và đau tim còn diễn ra trong năm thường rơi vào khoảng thời gian nghỉ lễ. Ví dụ, nghiên cứu được công bố trên Circulation phát hiện ra rằng cả đau tim và đột quỵ đều phổ biến nhất vào Giáng sinh, ngày sau Giáng sinh và Ngày đầu năm mới. Lý do, đây là thời điểm mọi người đã ăn uống nhiều thực phẩm béo, mặn hoặc đường hơn những ngày thường.

Kết hợp các yếu tố nguy cơ này với thời tiết lạnh hơn vào thời điểm này trong năm và nguy cơ tăng vọt. Thời tiết lạnh khiến mạch máu co lại và máu dễ đông hơn, có khả năng dẫn đến giảm lưu lượng máu đến tim và não. Nguyên nhân do cơ thể chưa kịp thích nghi với việc thay đổi nhiệt độ. Vào thời điểm chuyển mùa, mức huyết áp thường dao động có khuynh hướng tăng cao, đặc biệt với bệnh nhân tăng huyết áp lớn tuổi và không uống thuốc huyết áp thường xuyên. Với bệnh lý xuất huyết não, thủ phạm của trên 90% các trường hợp là do tăng huyết áp.

Theo các bác sĩ, khi thời tiết quá lạnh, mọi người thường uống nước không đủ. Điều này làm cơ thể thiếu nước, cũng có thể dẫn đến việc tạo ra các huyết khối. Ngoài ra, thời tiết quá lạnh hoặc nóng đều có thể gây các tác động đến sự co giãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Tác động này càng nghiêm trọng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, nhưng không được kiểm soát tốt.

4. Diễn biến cơn đột quỵ xảy ra như thế nào?

Vài phút đầu tiên 

Đột quỵ xảy ra khi não của bạn không nhận được máu và oxy cần thiết. Điều này là do cục máu đông, được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc có thể xảy ra do vỡ mạch máu, chẳng hạn như đột quỵ do xuất huyết.

Bất kể loại nào, không lâu sau các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Khi cơn đột quỵ bắt đầu, cơ thể mất gần 2 triệu tế bào não mỗi phút. Đó là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng đầu tiên thường gặp, phần nào đó trong não nhanh chóng ngừng hoạt động. Người bệnh có thể đang lấy sữa trong tủ lạnh hay làm bất kỳ điều gì đó và nhận ra rằng mình không thể nhúc nhích. Ví dụ, cánh tay của bạn để trả lời điện thoại hay đang nói dở câu, bắt đầu nói ngọng.

Trong vài giây, cơ thể chuyển từ bình thường sang bất ổn. Bất kỳ dấu hiệu nào trong ba dấu hiệu: mặt rũ xuống, yếu tay và khó nói chuyện, phải gọi cấp cứu ngay. Khi thực hiện cuộc gọi, hãy nói đang có người bị đột quỵ và cần xe cấp cứu đến ngay.

Điều tốt nhất, người bệnh cần ngồi yên khi từng phút trôi qua, các triệu chứng mới có thể xuất hiện và chờ xe cấp cứu. Những gì có thể làm là đề nghị người thân nới lỏng mọi quần áo quanh cổ hoặc ngực để dễ thở.

Khi người cứu trợ đầu tiên đến

Khi nhân viên cấp cứu ngoại viện đến, họ sẽ hành động nhanh chóng. Đầu tiên là đảm bảo cho người bệnh thở được và có mạch. Nếu không, sẽ phải hô hấp nhân tạo, thậm chí nếu cần phải cung cấp oxy cho người bệnh.

Sau đó, họ sẽ kiểm tra nhanh để tìm các dấu hiệu đột quỵ. Thông thường, những người ứng phó đầu tiên sẽ sử dụng Thang đo đột quỵ tiền viện và yêu cầu người bệnh:

·       Mỉm cười để họ có thể nhận biết khuôn mặt của bạn có bị vẹo hay méo xệ một bên

·       Giữ thẳng cả hai cánh tay trong 10 giây để xem một cánh tay có trượt xuống hoặc bất động

·       Nói một cụm từ đơn giản, chẳng hạn như "Bầu trời trong xanh" để kiểm tra xem bạn có nói lắp hoặc khó hiểu họ đang nói gì không

·       Họ cũng sẽ muốn biết chính xác thời gian các triệu chứng bắt đầu và tiến hành đo lượng đường trong máu (đường huyết) của người bệnh.

Nếu phát hiện đột quỵ,  họ sẽ gửi thông báo chi tiết đến bệnh viện. Tất cả điều này xảy ra trong vòng vài phút, còn người bệnh được chuyển ngay tới bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương.

Tại bệnh viện

Trong vòng 10 phút, bác sĩ sẽ bắt đầu khám và hỏi bệnh nhân hoặc người thân về các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của người bệnh.Trong vòng 15 phút, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm và được kiểm tra mức độ nhận thức. Trong vòng 25 phút, người bệnh  sẽ được chụp CTscan để nhận biết dạng đột quỵ nào, kết quả có trong vòng 45 phút.

5. Điều gì xảy ra khi xuất huyết não?

638354578646475394


Nếu bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc làm tan cục máu đông. Thuốc này có tác dụng nhanh chóng để đưa máu quay trở lại não. Lý tưởng nhất, người bệnh sẽ nhận được thuốc trong vòng 60 phút sau khi đến bệnh viện. Đối với đột quỵ do xuất huyết, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để sửa chữa mạch máu bị vỡ.

Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ xảy ra cuối năm, bác sĩ khuyến cáo chú ý kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong khi thời tiết thay đổi khi chuyển mùa. Người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là nhóm có nguy cơ cao. Ngoài ra, dịp cuối năm do tiệc tùng, ăn uống nhiều nên để phòng ngừa mọi người cần ăn uống điều độ, người có bệnh nền cần kiêng khem, sử dụng thuốc đều đặn theo khuyến nghị của bác sĩ, như thuốc huyết áp, tiểu đường, cholesterol… hay bệnh lý đang được điều trị.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?