Mèo cào, chuột cắn - bệnh không thể xem thường
- Thứ hai - 10/02/2025 14:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![bs nguyen thi bich thuy](https://www.minhanhhospital.com.vn/uploads/news/2022_07/bs-nguyen-thi-bich-thuy.jpg)
Trưởng khoa Khám bệnh,
Phụ trách Dinh dường Lâm sàng
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
1. Những ca bệnh nan y vì mèo cào, chuột cắn
Trung tâm Y tế TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới đây báo cáo cho biết bà V.T.T.D, 53 tuổi, trú phường Long Tâm, TP Bà Rịa đã không qua khỏi do về trường hợp tử vong do bệnh dại, nghi bị mèo cào. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, bà bị mèo nhà, chưa tiêm phòng vaccine, cào vào cẳng chân làm xước da, chảy máu nhẹ. Do nghĩ rằng mèo nuôi không có vấn đề gì nên bà D không đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Bà D cũng chưa tiêm phòng trước phơi nhiễm. Ngày 20/11/2025, bà D có biểu hiện sốt, đau họng, mệt mỏi nhưng vẫn đi làm bình thường. Ba ngày sau, thấy bà D mệt mỏi, khó thở nên người nhà đưa đi khám và nhập viện.
Ngược thời gian, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh Vũ Thị L. 70 tuổi, ở Tiên Cát, TP Việt Trì bị chuột cắn vào mu chân, sau khi bị cắn người bệnh không xử trí vết thương. 5 ngày trước khi vào viện, người bệnh bị sốt cao, sưng đau nhức mu chân phải, đi lại hạn chế. Người bệnh đến khám với triệu chứng sốt cao, sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt.
May mắn thay, người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, qua hội chẩn chuyên môn người bệnh được chẩn đoán viêm mô mềm/Bệnh Sodoku do chuột cắn; người bệnh được điều trị đặc hiệu với kháng sinh Doxycyclin 100 mg giảm phù nề, giảm đau. Sau 10 ngày điều trị đã khỏi hoàn toàn và được xuất viện.
2. Mèo cào chuột cắn lan truyền bệnh gì ?
- Nhiễm trùng: Nếu vết thương không được xử lý và chăm sóc đúng cách, nó có thể trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến nhiễm trùng. Vi khuẩn trong nước bọt của mèo có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm mô mềm, viêm xoang và viêm phổi.
- Nhiễm giun sán: Một số loại giun trong ruột mèo có thể lây truyền cho người qua vết cắn hoặc cào của mèo, từ đó gây ra các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.
- Suy giảm miễn dịch: Một số nghiên cứu cho thấy người bị mèo cào có thể gặp phải nguy cơ suy giảm miễn dịch.
- Bệnh dại: Đặc biệt là chuột, mèo hoang hoặc mèo chưa được tiêm phòng bệnh dại cào, cắn người, sẽ có thể gây truyền nhiễm bệnh dại. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như hôn mê, co giật, khó thở và tử vong.
3. Sốt mèo cào là gì?
Bệnh mèo cào tương đối hiếm gặp nhưng có thể gây sốt (thường được gọi là bệnh mèo cào hoặc CSD). Đây là căn bệnh do vi khuẩn Bartonella henselae (B. henselae) gây ra. Nó làm cho các hạch bạch huyết sưng, nổi mụn trên da (sẩn) và sốt, nhất là khi bị mèo cắn hoặc cào hay liếm vết thương hở. Bất cứ ai ở gần mèo đều có nguy cơ mắc bệnh mèo cào, nhưng bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi hoặc nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh mèo cào có hai dấu hiệu nhận biết: sưng hạch bạch huyết và nổi mụn hoặc u nang dưới da (sẩn). Các vết sưng có thể trông giống như phát ban hoặc giống nốt sần hơn và chúng thường ở gần vết thương. Các triệu chứng của bệnh mèo cào bắt đầu từ 3 đến 10 ngày sau khi bị mèo cào hoặc bị thương và bao gồm: sưng hoặc u nang dưới da (sẩn) hoặc phát ban; sưng hạch bạch huyết bị sưng, đau (bệnh hạch bạch huyết); sốt; đau cơ, xương hoặc khớp; chán ăn hoặc sụt cân; mệt mỏi…
4. Chẩn đoán và xét nghiệm
Để chẩn đoán bệnh mèo cào, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất như quan sát vết xước hoặc vết thương của bạn (nếu có). Kiểm tra da xem có phát ban hoặc nổi mụn không. Kiểm tra hạch bạch huyết. Đôi khi bệnh mèo cào , chuột cắn cũng có thể được chẩn đoán chỉ bằng xét nghiệm máu để kiểm tra vi khuẩn B. henselae. Trong một số trường hợp hiếm gặp, hãy lấy mẫu dịch từ một trong các hạch bạch huyết để kiểm tra vi khuẩn B. henselae.
5. Những việc cần làm ngay sau khi bị mèo cào, chuột cắn
Do vết cào, cắn có thể mang theo vi khuẩn, . nếu chúng được truyền vào cơ thể của con người , có thể sẽ gây nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng như đau, sưng, viêm, sốt hoặc lây truyền bệnh dại. Bệnh dại do virus ở người nếu không được tiêm phòng gần như sẽ gây tử vong 100%.
Thời gian ủ bệnh của virus dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị bệnh này tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 - 3 tháng. Khi bị mèo cào hay bị chuột, chó, động vật cắn, cào, liếm vào vết xước… thì phải làm ngay những việc sau:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…
- Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.
6. Về phòng bệnh
Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine, vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.