Đau cột sống – ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ
- Thứ bảy - 02/11/2019 08:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có một lúc nào đó, sau khi khiêng vác một vật nặng, hoặc đột ngột xoay, trở người, thay đổi tư thế… bạn bị đau vùng lưng, không cúi xuống được, đau đến mức nằm nghỉ cũng thấy khó chịu. Hay sau một ngày cặm cụi làm việc trên máy tính, rồi thấy cổ đơ ra, quay đầu, ngoái cổ không được. Muốn nhìn ra phía sau phải xoay cả người… Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tình trạng đau lưng cơ năng cấp tính, phần lớn tự thoái lui sau một vài tuần, nhưng cũng có thể là triệu chứng điển hình của bệnh lý thoái hóa cột sống.
Thoái hóa cột sống là một cách gọi để chỉ việc xương cột sống bị lão hóa mất dần cấu trúc và chức năng bình thường theo thời gian. Đây cũng là thuật ngữ để chỉ một số dạng bệnh như xẹp đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, hẹp ống sống, hẹp lỗ liên hợp ở cột sống. Căn bệnh này có thể xảy ra ở cột sống cổ, cột sống ngực và đặc biệt là hay gặp ở cột sống thắt lưng.
- Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống, chẳng hạn như:
- Tuổi tác: Các triệu chứng thường xuất hiện lần đầu trong độ tuổi từ 20 và 50. Hơn 80% người trên 40 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa cột sống sau khi chụp X-quang
- Giới tính: Đối với những người dưới 45 tuổi, viêm xương khớp xuất hiện nhiều hơn ở nam giới. Sau 45 tuổi, viêm xương khớp xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ
- Thừa cân
- Chấn thương phạm khớp, trượt đốt sống
- Di truyền
- Những người làm việc hoặc hoạt động thể lực đặc thù có tác động lên các khớp nhất định.
Bệnh thoái hóa cột sống ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, người bệnh đau đớn, cứng khớp, hạn chế vận động. Nhiều khi không ngoái được cổ, không cúi gập người được hoặc đứng lên ngồi xuống rất khó khăn.
Biến chứng của bệnh là gây chèn ép dây thần kinh khiến bệnh nhân có dấu hiệu tê tay (đối với thoái hóa đốt sống cổ), tê chân, triệu chứng đau thần kinh tọa (đối với thoái hóa cột sống lưng), nặng hơn sẽ dẫn tới teo cơ,yếu liệt, tiêu tiểu không tự chủ. Đây là hậu quả đáng sợ nhất có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Gây thoát vị đĩa đệm: Khi cột sống bị thoái hóa, chỉ với một tác nhân đủ mạnh (như mang vác nặng sai tư thế, động tác thể thao đột ngột hoặc quá sức,…) thì đĩa đệm sẽ bị chèn ép và thoát vị. Gây đau đớn, không thể cử động và dẫn tới các nguy cơ tiềm ẩn khác như đau rễ thần kinh, rối loạn đại tiểu tiện, teo cơ, thậm chí là tàn phế.
Thoái hóa cột sống diễn tiến thành gai cột sống, đau thần kinh tọa, gù vẹo và biến dạng cột sống,…
Với thoái hóa cột sống cổ,thoái hóa sẽ làm tổn thương lỗ liên hợp, chèn ép mạch máu gây rối loạn hệ mạch máu nuôi não. Khi đó, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, kém ăn mất ngủ. Với người cao tuổi thường gây chóng mặt, dễ dẫn đến ngã, tai nạn.
LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ
Đừng để những thói quen tác động xấu lên cột sống
Mang, xách nặng: Nếu thường xuyên mang vác vật nặng ở tư thế cúi khom, thì tải trọng tác động lên cột sống sẽ cao hơn so với khi bê vật nặng ở tư thế thẳng đứng. Giải pháp tốt nhất là ôm trước ngực, ép vật đang mang càng sát người càng tốt và luôn giữ tư thế lưng thẳng.
Hoặc xách nặng một bên tay khiến trọng tâm cột sống bị lệch. Sẽ hợp lý hơn nếu chia đều thành 2 túi để xách nặng đều hai tay.
Nhấc vật nặng ở tư thế không phù hợp: Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị đau cột sống cấp tính.
Dùng gối không phù hợp: Ngủ trên một chiếc gối quá cao sẽ dễ gây vẹo cổ, gù, đau nhức cổ, cứng vai gáy sau khi ngủ dậy. Nếu không điều chỉnh kịp thời, tình trạng này kéo dài sẽ là nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Ngược lại,nếu gối quá thấp hoặc không dùng gối, cổsẽ ngửa ra phía sau, cơ cổ sẽ bị chùng xuống, khiến xương sống bị cong, dẫn đến đau cổ và cứng khớp… Thời gian dài sẽ khiến cổ bị co cứng, ảnh hưởng xấuđốt sống cổ. Một chiếc gối phù hợp sẽ giúp chúng ta ngủ ngon và không gây những tác hại lên cột sống.
Smartphone: Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người hiện nay. Tuy nhiên, đây chính là một trong những “thủ phạm” gây ra cong vẹo cột sống cổ và lưng. Vì với tư thế cúi đầu khi nhắn tin sẽ gây áp lực cho tủy sống và cột sống cổ,khiến tình trạng cong vẹo cột sống tiến triển nhanh hơn.
Giải pháp: nên đặt điện thoại ngang tầm mắt khi sử dụng (không nên đặt trên đùi hay mặt bàn thấp). Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng smartphone liên tục trong thời gian dài cũng giảm đáng để nguy cơ cong vẹo cột sống và những bệnh khác về mắt và thần kinh.
Tư thế làm ngồi làm việc: Cúi khom người, hoặc tựa toàn bộ người lên dựa ghế là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống ở nhân viên văn phòng.
Lời khuyên là điều chỉnh ghế thích hợp, tránh cúi người về phía trước hoặc ngã người ra sau quá nhiều. Tư thế đúng là lưng thẳng tạo thành góc vuông với cánh tay để trên bàn, chân chạm sàn cho cảm giác thoải mái nhất. Không nên ngồi làm việc quá lâu một tư thế. Nên vận động, nghỉ giải lao sau khoảng 60 phút làm việc. Nhờ đó cột sống được “thư giãn” và tránh tình cong vẹo cột sống.
Các động tác sai: Đột ngột, như ngủ bật dậy. Tư thế với, như lấy đồ trên cao. Hoặc vặn xoay nửa người ra phía sau khi cần trao đổi hoặc lấy đồ… là những tác hại không nhỏ đến cột sống.
Mời Quý độc giả theo dõi bài "SỐNG VUI, SỐNG KHỎE CÙNG THOÁI HÓA CỘT SỐNG LƯNG" số tiếp theo, ngày 05/11/2019
Các bài viết về bệnh lý cơ xương khớp có thể bạn quan tâm
►THOÁI HÓA KHỚP VÙNG CỔ CHÂN – BÀN CHÂN
►THOÁI HÓA KHỚP HÁNG – KHÔNG PHẢI DẠNG VỪA!
►THAY KHỚP GỐI – PHỤC HỒI TỐT VẬN ĐỘNG
Để được tư vấn và hỗ trợ khám chuyên khoa cơ xương khớp, Quý khách vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.com.vn
Fb: facebook.com/bvminhanh