BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH

https://www.minhanhhospital.com.vn


Vì sao trẻ lại dị ứng thực phẩm?

Tùy theo cơ địa của mỗi người, người lớn thường hay là dị ứng với tôm, cá thì ở trẻ lại dễ bị dị ứng với sữa bò, trứng, đậu nành hoặc dị ứng với thành phần của sữa nhất là khi pha thêm sữa bột cho bé bú.
bs thuy ai
BSCKI. HUỲNH THỊ THÚY ÁI
Chuyên khoa Nội tiết và Dinh dưỡng lâm sàng
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

8 loại thực phẩm thường gây dị ứng ở trẻ

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường của cơ thể đối với một loại thực phẩm nào đó. Điều quan trọng cần biết, dị ứng thực phẩm khác với không dung nạp thực phẩm (không chấp nhận) vì nó không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, mặc dù có thể có một số triệu chứng giống như trong dị ứng thực phẩm.

Để biết con mình có bị dị ứng thực phẩm hay không thì cần dựa trên tiền sử dị ứng của bố mẹ, nếu cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì con nguy cơ mắc tới 50 – 80%; nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20 – 40% con có nguy cơ bị dị ứng, và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5 – 15 % trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng.

Khoảng 90% tất cả các trường hợp dị ứng thực phẩm là do 8 loại thực phẩm sau đây gây ra: sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, cá, động vật có vỏ…
 

di ung thuc an 1 1


Trong số này trứng, sữa và đậu phộng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng thực phẩm ở trẻ em. Dị ứng với sữa và đậu nành thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó có các triệu chứng này không giống như các triệu chứng của các bệnh dị ứng khác, khiến trẻ hay quấy khóc, có máu trong phân, tăng trưởng kém…

Các triệu chứng và cách điều trị dị ứng

Các triệu chứng dị ứng có thể bắt đầu trong vòng vài phút đến 1 giờ sau khi ăn thức ăn. Mỗi đứa trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau, điển hình bao gồm: nôn mửa, tiêu chảy,  chuột rút, mề đay, sưng tấy, ngứa hoặc sưng môi, lưỡi hoặc miệng, ngứa hoặc tức cổ họng, khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp…

Không có thuốc để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên  gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ. Sau khi tìm ra nguyên nhân, thực phẩm gây dị ứng, điều rất quan trọng là phải tránh những thực phẩm này và thực phẩm tương tự khác. Nếu trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần tránh các loại thực phẩm mà con dễ bị dị ứng do lượng nhỏ chất gây dị ứng thực phẩm có thể truyền từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ .

Theo khuyến  cáo của các chuyên gia nhi khoa, cần loại bỏ thực phẩm gây dị ứng ra khỏi khẩu phần ăn ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bắt đầu với các thức ăn lành tính, có tỷ lệ dị ứng thấp nhất cho trẻ, như gạo và các loại củ. Nếu trẻ bị dị ứng từ lần thứ hai trở đi cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng, thăm khám để có cách khắc phục phù hợp. Ngoài loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn của trẻ, thì bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng.

Đối với nhóm trẻ bị dị ứng với sữa, các mẹ cần lưu ý đọc kỹ thành phần của sữa bột hoặc bột dinh dưỡng trước khi sử dụng. Trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa bò thường có thể sử dụng các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng được sản xuất từ bột đậu nành một cách an toàn. Nếu trẻ dị ứng với cả sữa bò và bột đậu nành, các mẹ nên tìm các loại sữa bột an toàn hơn thông qua tư vấn dinh dưỡng để lựa chọn sữa cho phù hợp. Để cân đối chế độ ăn các mẹ nên tham khảo ý kiến của giới dinh dưỡng để tìm được một chế độ ăn thích hợp cho con mình, nhất là việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng thiêt yếu.

Sử dụng các thuốc chống dị ứng trong điều trị dị ứng thức ăn ở trẻ nhằm giảm bớt triệu chứng hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng này khi trẻ bị dị ứng với nhiều loại thức ăn hoặc khi không thể tránh được thức ăn gây dị ứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải theo phác đồ của bác sĩ , tránh tự ý dùng hay dùng theo lời đồn hoặc đơn của những đứa trẻ khác.

Phòng ngừa dị ứng ở trẻ

Không nên chờ khi con mình xuất hiện các triệu chứng dị ứng rồi mới phòng tránh. Để hạn chế dị ứng nên tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, lứa tuổi bị dị ứng thức ăn cao nhất. Sự kết hợp ăn kiêng với một chế độ bù dưỡng chất từ thực phẩm bổ sung là một giải pháp an toàn.

Vì tình trạng dị ứng thức ăn ở trẻ liên quan nhiều đến di truyền nên đây cũng là cách để xác định nguy cơ dị ứng cho trẻ ngay từ khi mang thai là cần thiết.  Khi mang thai, bà mẹ không nên ăn nhiều lạc và đậu nành nhằm hạn chế khả năng dị ứng cho trẻ trong độ tuổi bú mẹ nhưng không vì thế mà ngưng cho trẻ bú vì sữa mẹ ít gây dị ứng, có những chất có tác dụng làm tăng cường miễn dịch. 
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?