BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH

https://www.minhanhhospital.com.vn


Phân biệt virus với vi khuẩn và cách phòng ngừa bệnh lúc giao mùa

Rất nhiều người không phân biệt được virus và vi khuẩn nên việc phòng ngừa, điều trị còn đạt hiệu quả thấp, thậm chí còn làm tăng tình trạng kháng thuốc.
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. Nguyễn Thị Bích Thủy
Bệnh Viện Quốc Tế Minh Anh

Sự khác biệt giữa virus và vi khuẩn

Virus (vi-rút) là các thực thể sống nhỏ bé nhất không có cấu tạo tế bào, chỉ có biểu hiện sống khi kí sinh trong vật chủ. Do kí sinh để tồn tại nên virus có thể gây bệnh, nên virus còn được định nghĩa là tác nhân truyền bệnh. Người đầu tiên có công phát hiện ra virus là nhà khoa học người Nga, Dmitry Ivanovsky đầu năm 1892  và nhà khoa học người Hà Lan Martinus W. Beijerinck vào năm 1898. Ban đầu nó được gọi là contagium vivum liquidum, có nghĩa, nó là một sinh vật sống, sinh sản khác với các sinh vật khác.

Vi khuẩn (bacterium hay bacteria) đôi khi còn được gọi là vi trùng, sinh vật nhân sơ đơn bào có kích thước rất nhỏ, và các bào quan như ty thể và lục lạp. Cấu trúc tế bào của vi khuẩn được miêu tả chi tiết trong mục sinh vật nhân sơ vì vi khuẩn là sinh vật nhân sơ, khác với các sinh vật có cấu trúc tế bào phức tạp hơn gọi là sinh vật nhân chuẩn. Chúng hiện diện khắp nơi trong đất, trong nước, chất thải phóng xạ, suối nước nóng, và được xem là tác nhân gây bệnh tiềm ẩn . Có tới 40 triệu tế bào vi khuẩn trong một gram đất và hàng triệu tế bào trong một mm nước ngọt, trên trái đất của chúng ta có khoảng 5×1030 vi khuẩn khác nhau.

Vi rút là dạng sống nhỏ nhất và đơn giản nhất, có kích thước chỉ bằng 1/100 đến 1/10 vi khuẩn. Vi khuẩn thuộc loại đơn bào có thể sống ở trong hoặc ngoài các tế bào khác. Chúng có thể tồn tại không cần tế bào chủ. Trong khi đó, vi rút là sinh vật sống trong tế bào, có nghĩa, xâm nhiễm tế bào vật chủ và sống trong tế bào đó. Vi rút làm thay đổi vật liệu di truyền của tế bào vật chủ để tự sinh sản. Virus nhỏ hơn vi khuẩn, virus lớn nhất nhỏ hơn vi khuẩn nhỏ nhất. Tất cả các virus có một lớp vỏ protein và lõi vật liệu di truyền là RNA hoặc DNA. Không giống vi khuẩn, virus không thể tồn tại nếu không có vật chủ. Chúng chỉ có thể sinh sản bằng cách tự gắn vào các tế bào. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tự lập trình lại các tế bào để tạo ra virus mới cho đến khi các tế bào vỡ ra và lụi tàn. Trong một số trường hợp, chúng có thể biến các tế bào bình thường thành tế bào ác tính hoặc ung thư.

20200522 145654 797605 unnamed 3 max 1800x1800
cấu tạo giữa vi khuẩn và virus
 

Và cũng không giống như vi khuẩn, hầu hết các loại virus đều gây bệnh. Ví dụ, một số loại virus tấn công các tế bào trong gan, hệ hô hấp hoặc máu, thậm chí, virus còn tấn công cả vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không thể diệt vi rút nhưng có thể diệt hầu hết vi khuẩn trừ khi vi khuẩn kháng kháng sinh. Sử dụng sai hoặc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh có xu hướng kém hiệu quả trước những vi khuẩn nguy hiểm trong tương lai. Vi khuẩn gram âm có khả năng kháng mạnh đối với kháng sinh điều trị, nhưng có thể bị tiêu diệt bởi một số kháng sinh khác.

Cách phòng bệnh do virus, vi khuẩn gây ra lúc giao mùa

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi, nắng mưa thất thường nên độ ẩm trong không khí cũng biến thiên, tạo môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển. Riêng người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị tấn công bởi sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh trong đó có virus, vi khuẩn xâm nhập khi hít thở, hơn 90% virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp. Rất đa dạng như hen phế quản, viêm thanh quản, viêm họng, viêm mũi xoang cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí màng phổi…

Thời gian gần đây, do Covid-19 bùng phát kéo theo nhiều biến thể phụ như BA.4, BA.5 và hiện nay là Omicron nên khi  giao mùa khiến trẻ em, người già dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.  Như đề cập ở trên, hơn 90% virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp. Để hạn chế mắc bệnh, việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, cụ thể những việc cần làm:

·                 Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý thông qua ăn uống. Bữa ăn hàng ngày cần đủ 4 nhóm là chất bột đường (gạo, bắp, khoai, các loại đậu...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...) chất béo (mỡ, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…) và uống đủ nước mỗi ngày.

·                 Nên mang khẩu trang để phòng khói bụi, độc hại và tránh các tác nhân gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sử dụng các phương tiện phòng hộ và vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc.

·                 Vệ sinh tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng nhất là trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm…

·                 Giữ ấm cơ thể, tránh dầm mưa quá lâu, khi bị ướt mưa thì khi về nhà nên tắm ấm ngay. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ trong cơ thể.

·                 Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nên duy trì thói quen súc họng bằng nước muối ấm pha loãng.

·                 Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả chủ động lẫn bị động (tức hít phải khói thuốc người hút phả ra), nhất là những người đã bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang...

·                 Giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh những đồ vật thường tiếp xúc như tay nắm cửa, ban công, tay vịn cầu thang...

·                 Năng vận động, tránh xa cuộc sống tĩnh tại, nằm và ngồi nhiều.

·                 Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin như xin phòng COVID-19, vắc xin cúm hoặc phế cầu; chủ động kiểm soát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?