BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH

https://www.minhanhhospital.com.vn


Căn bệnh gây rối loạn thần kinh bí ẩn mang tên Parkinson

Parkinson là bệnh rối loạn, bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính tiến triển, thường gặp ở nhóm người trung cao tuổi, xu hướng mắc bệnh tăng và trẻ hóa do tuổi thọ trung bình nâng cao và mức sống tăng nhanh.
Bs Nguyen An Chau
 BSCKI. Nguyễn An Châu 
Chuyên khoa Nội tổng hợp BVQT Minh Anh

Tính đặc thù của bệnh Parkinson

Phải nói ngay rằng, sở dĩ Parkinson được xếp vào nhóm bệnh thần kinh bí ẩn là vì đến nay y học vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân nên chữa trị chỉ mang tình tình thế.  Trên thực tế bệnh Parkinson (Parkinson’s Disease) còn nhiều bệnh nhân có biểu hiện giống Parkinson được gọi là Hội chứng Parkinson (Parkinsons Syndrome hay HS). HS có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn hay do nhiễm độc …, do chấn thương, do tổn thương mạch máu não vì bệnh lý nền như đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp... Theo WHO, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến 0,4% số người trên 40 tuổi, 1% người trên dưới 65 tuổi và 10% thuộc nhóm người trên 80 tuổi. Tuổi bình quân khởi phát khoảng 57 năm.

Theo trang tin Newshub của New Zealand số ra gần đây,  một đứa trẻ 3 tuổi người Úc đã trở thành bệnh nhân trẻ nhất thế giới được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Đó là Jahleel Marsh đến từ Melbourne, được chẩn đoán bị thiếu hụt Amino Acid Decarboxylase (AADC), hay 'bệnh Parkinson trẻ em', khi mới được ba tháng rưỡi tuổi.  Theo Bec Marsh, 41 tuổi, mẹ của Jahleel thì con trai chị bị “kẹt chính trong trong cơ thể mình”. Do bệnh hiếm gặp đến nay Jahleel Marsh vẫn không thể đi đứng, nói chuyện, hay ăn uống được, và theo bác sĩ dự báo nếu không được điều trị thì cậu bé khó có thể sống qua tuổi thứ 10, và phải dành phần lớn cuộc đời trong bệnh viện.

Theo bác sĩ trực tiếp điều trị cho Jahleel Marsh thì căn bệnh Jahleel mắc phải hiện có tỷ lệ mắc bệnh 1/56 triệu ca, có nghĩa là cực hiếm. Hội chứng liệt rung Parkinson vị thành niên hiếm gặp, bắt đầu trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên lên đến 20 tuổi. Sự khởi phát giữa tuổi 21 và 40 tuổi đôi khi được gọi là Parkinson trẻ hay Parkinson khởi phát sớm. Nguyên nhân di truyền có nhiều khả năng trong bệnh Parkinson vị thành niên và khởi phát sớm những dạng này có thể khác với bệnh Parkinson.

Triệu chứng thường gặp và cách điều trị bệnh Parkinson

Các triệu chứng của bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm thường thấy là mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản khó khăn, rối loạn chữ viết, táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động, bong vảy da ở mặt, gối. Những triệu chứng điển hình như run ở đầu chi, môi, lưỡi; co cứng ở ở chân tay cứng ở tất cả các nhóm cơ, đi lại khó, sờ nắn các cơ thấy chắc, cứng; suy giảm vận động và biểu cảm. Các triệu chứng khác là loạn cảm đau, đứng ngồi không yên, nóng bức, tăng tiết, phù, tím tái ngọn chi, rối loạn cương, hạ huyết áp tư thế, trầm cảm lo âu (khoảng 35 đến 40%), một số ít có thể có ảo thị, hoang tưởng, trí tuệ còn tốt, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng…

parkinson 6091


Bệnh Parkinson tiến triển qua 5 giai đoạn: Môt, xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở 1 bên cơ thể mặc dù bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt. Hai, xuất hiện các dấu hiệu ở hai bên nhưng không bị mất thăng bằng. Ba, xuất hiện triệu chứng cả 2 bên cơ thể có mất thăng bằng nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ được trong hoạt động tuy có bị hạn chế. Bốn, suy giảm chức năng nặng nhưng vẫn có thể đi đứng được cần sự hỗ trợ một phần và giai đoạn 5, bệnh nhân phải ngồi xe lăn hoặc nằm do không tự chủ được.

Điều trị bệnh Parkinson có dùng thuốc (theo chỉ định cả bác sĩ), phẫu thuật nếu thuốc không kiểm soát đầy đủ các triệu chứng, hoặc không dung nạp kèm các tác dụng phụ. Tập luyện và các biện pháp thích nghi, các biện pháp vật lý. Mục tiêu phòng ngừa và điều trị Parkinson là tối đa hóa hoạt động. Bệnh nhân nên tăng cường hoạt động hàng ngày ở mức độ tối đa có thể. Nếu không, vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu với các bài tập thể lực thường xuyên có thể giúp tăng cường thể lực của bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng có thể hướng dẫn các chiến lược thích ứng phù cho bệnh nhân tại nhà, ví dụ, lắp các thanh nắm để giảm nguy cơ ngã.

Vì bệnh Parkinson tiến triển nên bệnh nhân cuối cùng phải được giúp đỡ để sinh hoạt bình thường hàng ngày. Người chăm sóc nên tìm hiểu những ảnh hưởng về thể chất và tâm lý của Parkinson đẻ giúp đỡ bệnh nhân hoạt động tốt nhất.  Về chế độ ăn, bệnh nhân cần được ăn đủ chất, bằng thức ăn dễ tiêu, nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước tránh táo bón. Về chế độ vệ sinh cần đảm bảo tốt đồng thời kết hợp với chế độ tập luyện thường xuyên và phù hợp để hỗ trợ chống lại các triệu chứng co cứng, run gây mất tự chủ.

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?