Bệnh mùa hè trẻ em thường gặp
- Thứ ba - 04/06/2019 10:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Viêm tai khi đi bơi
Là một bệnh nhiễm trùng ở ống tai ngoài xảy ra khi nước bị giữ lại trong tai, giúp vi khuẩn dễ phát triển. Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng tai ở bể bơi hoặc biển.
Bệnh này khiến tai ù, ngứa và có thể đau đớn. Một số trẻ em (hoặc người lớn) cũng có thể bị mất thính giác tạm thời. Nên dùng thuốc nhỏ tai sát trùng và có thể tránh được bằng cách đeo nút tai khi cho các bé đi bơi.
Say nắng
Say nắng xảy ra khi chơi đùa quá lâu ở ngoài trời dẫn đến nhiệt độ cơ thể cực kỳ cao. Say nắng có thể gây ra mạch nhanh, mất phương hướng, buồn nôn, lưỡi sưng khô, da đỏ và nóng. Trong trường hợp nặng, say nắng có thể khiến người bệnh bất tỉnh.
Để tránh say nắng, hãy giữ trẻ chơi trong mát trong những ngày nắng nóng và cho uống nhiều nước để tránh mất nước.
Viêm mũi dị ứng
Bệnh thường gây ra do dị ứng với phấn hoa hoặc bụi bặm trong môi trường, làm cho màng nhầy của mắt, mũi bị ngứa và viêm, gây chảy nước mũi, nhảy mũi, chảy nước mắt liên tục.
Viêm mũi dị ứng có triệu chứng như cảm lạnh thông thường và là một tình trạng phổ biến thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè.
Viêm mũi dị ứng thường chỉ gây khó chịu, tuy vậy nó có thể biến chứng thành viêm tai giữa, viêm xoang, khi đó điều trị sẽ vất vả hơn. Nên cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường và tránh các yếu tố gây dị ứng.
Bệnh chàm
Bệnh chàm là một bệnh da phổ biến thường tái phát gây ra khó chịu trên cơ thể. Bệnh do dị ứng, thường gặp trong mùa hè. Ánh nắng mặt trời gay gắt có thể khiến da bị khô, gây kích ứng. Mồ hôi tăng nhiều cũng có thể làm bệnh nặng, ngứa nhiều hơn.
Nếu trẻ bị bệnh chàm, hãy cố gắng lau sạch da khi trời nóng để giảm sự tích tụ mồ hôi. Mặc quần áo thoáng mát để da có thể thở và giảm kích ứng.
Ngộ độc thực phẩm
Thức ăn trong mùa hè rất dễ bị ôi thiu. Nhiệt độ cao giúp vi khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, trong một số trường hợp trẻ bị sốt cao. Để bảo vệ trẻ, chống ngộ độc thực phẩm, phải đảm bảo nước uống, thức ăn được nấu chín, giữ vệ sinh tốt trong bếp, hạn chế ăn ngoài đường, đặc biệt là các hàng quán kém vệ sinh.
Bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em và nhũ nhi với triệu chứng như sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước làm đau ở lưỡi, nướu, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Cách ngừa bệnh tốt nhất là chú trọng đến công tác phòng bệnh. Vệ sinh đồ chơi và khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên...
Viêm màng não
Triệu chứng: sốt cao, nôn ói, không bú được, cổ gượng, thóp phồng.
Bệnh này thường có xu hướng gia tăng trong ngày hè nắng nóng. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu phát hiện và điều trị không kịp thời có thể dẫn tới di chứng về não hoặc tử vong. Vì triệu chứng ban đầu khá giống với nhiều bệnh khác, nên phụ huynh không thể tự chẩn đoán tại nhà bằng kinh nghiệm và mắt thường. Vì vậy khi thấy các triệu chứng đáng ngờ, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh Thủy đậu (Trái rạ)
Vẫn được xem là bệnh phổ biến ở trẻ em vì bệnh rất dễ lay lan cho trẻ qua con đường hô hấp. Theo ghi nhận của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh bệnh thường xuất hiện theo mùa, tầm khoảng tháng 2 – tháng 6 hàng năm, tháng cao điểm nhất thường rơi vào tháng 4. Bệnh Thủy đậu hiện đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả mang lại sự chủ động cho việc phòng ngừa.
Nhóm bệnh Sởi – Quai bị - Rubella
Cũng giống như bệnh Trái rạ, nhóm bệnh này cũng rất dễ lay lan qua đường hô hấp, và được xem là nhóm bệnh “đến hẹn lại lên”, vì bệnh cũng thường phổ biến vào tầm tháng 2 – tháng 6 hàng năm. Với bệnh Sởi, nếu theo dõi và chăm sóc không đúng cách có thể gặp những biến chứng nguy hiểm đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Bệnh quai bị có thể gây biến chứng “vô sinh” ở nam giới, bệnh Rubella nếu phụ nữ không may bị nhiễm trong thời kỳ mang thai có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Hiện tại bệnh cũng có thể phòng ngừa chủ động bằng vắc xin 3 trong 1.