ĐO ĐIỆN CƠ LÀ GÌ? TẠI SAO PHẢI ĐO?
- Thứ năm - 28/12/2023 13:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bệnh lý cơ xương khớp, những triệu chứng như: cảm giác kim châm, kiến bò ở da, cảm giác tê cóng, đau, yếu cơ, liệt, giảm trương lực cơ. Hoặc đi lại khập khiễng, có hiện tượng teo cơ, giảm hoặc mất phản xạ gân xương … là dấu hiệu của tổn thương thần kinh – cơ.
Cơ đảm nhiệm chức năng vận động và hỗ trợ cơ xương. Những sợi cơ kết hợp với các sợi trục neuron thần kinh vận động tạo thành một đơn vị vận động. Khi co cơ, hoạt động điện bắt đầu xuất hiện, và khi tăng co cơ, hoạt động điện cũng tăng lên. Các tín hiệu này được thể hiện dưới dạng sóng cơ.
Khi tổn thương thần kinh – cơ, các hoạt động điện này sẽ thể hiện các sóng bất thường. Dựa trên cơ chế đó, đo điện cơ là “cánh tay nối dài” của lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán xác định các bệnh lý như:
• Các bệnh lý cơ: loạn dưỡng cơ hoặc viêm đa cơ
• Các bệnh ảnh hưởng đến nơi tiếp nối thần kinh cơ như bệnh nhược cơ…
• Các rối loạn thần kinh ngoài tủy sống (thần kinh ngoại biên) như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh thần kinh ngoại biên…
• Các rối loạn ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động của tủy sống như xơ cột bên teo cơ hoặc viêm tủy xám (polio)…
• Các rối loạn của rễ thần kinh trong bệnh thoát vị đĩa đệm…
Dựa vào kết quả khảo sát, bác sĩ sẽ đọc và đưa ra bảng phân tích kết quả đo điện cơ của bệnh nhân, qua đó sẽ trao đổi hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Đo điện cơ là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong thăm khám và chẩn đoán bệnh, đồng thời cũng là một phương pháp chẩn đoán quan trọng không thể thiếu trong thực hành thần kinh học hiện đại. Có hai phương pháp đo:
+ Đo dẫn truyền thần kinh (đo qua bề mặt da).
+ Ghi điện cơ bằng điện cực kim (đo trong cơ).
Khi đo điện cơ, các kỹ thuật viên sẽ sử dụng các thiết bị rất nhỏ gọn là các điện cực đặt lên bề mặt của da để đo dẫn truyền thần kinh của cơ. Với ghi điện cơ bằng điện cực kim, bác sỹ sẽ dùng các điện cực bằng kim châm sẽ châm trực tiếp vào cơ bắp để ghi lại hoạt động của cơ đó.