SỎI THẬN – NHẬN BIẾT VÀ ĐIỀU TRỊ
- Thứ bảy - 10/07/2021 08:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với BSCK 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích BVQT Minh Anh, bác sĩ cho biết các trường hợp này nếu không được điều trị lấy sỏi ra thì nguy cơ mất chức năng thận, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Thưa bác sĩ, khi gọi là “ sỏi” chúng ta có thể hình dung được tính chất khối và cứng của nó. Từ thận, nó có thể theo nước tiểu qua niệu quản, xuống bàng quang, niệu đạo và có thể mắc kẹt ở đâu đó…
BSCK 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích: Vâng, chính vì vậy mà bệnh nhân có sỏi thận thường đau đớn khi gặp phải các trường hợp sỏi lớn di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang, gây tổn thương đường tiết niệu, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả phức tạp.
Như trong hình minh họa đây, chúng ta thấy các viên sỏi nằm trong bể thận và có viên đang kẹt ở niệu quản.
Và sỏi thận không trơn tru như tưởng tượng, có khi không đơn lẽ từng viên một mà kết dính thành từng khối không xác định.
BSCK 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích: Sỏi thận gồm có nhiều loại
- Sỏi canxi: Là loại phổ biến nhất, đặc biệt ở nam giới trong độ tuổi 20 - 30 tuổi và có khả năng tái phát cao. Canxi có thể kết hợp với các gốc oxalat, carbonat, phosphat để tạo thành những tinh thể muối lắng cặn tạo thành sỏi. Trong đó muối canxi oxalat là phổ biến, đặc biệt ở những người thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa oxalat.
- Sỏi acid uric: Hình thành bởi sự rối loạn chuyển hóa acid uric. Loại này thường liên quan đến bệnh gout, vì thế xuất hiện chủ yếu ở nam giới.
- Sỏi cystin: Gặp ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn cystin di truyền. Loại này tương đối ít gặp.
- Sỏi struvite: Thường gặp ở phụ nữ, là kết quả của sự nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu. Sỏi struvite phát triển nhanh chóng và dễ gây tắc đường tiết niệu.
- Sỏi phosphat: Loại sỏi này có kích thước lớn, hình san hô, hậu quả của nhiễm khuẩn proteus tiết niệu.
Theo nhiều nhận định, thì sỏi thận là một bệnh lý khá phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới như nước ta đây. Có lẽ do khí hậu khiến cơ thể mất nước nhiều và mau?
BSCK 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích: Có thể vậy, vì một trong những nguyên nhân gây sỏi thận là do uống ít nước. Khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận. Chức năng lọc giảm, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi.
Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng thúc đẩy hình thành sỏi trong thận:
+Ăn uống không phù hợp: Thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ cũng gây trở ngại đến tuần hoàn thận.
+Nhịn tiểu: Nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi đủ lớn chúng sẽ hình thành sỏi trong thận.
+Mắc các dị tật đường tiết niệu bẩm sinh làm cản trở sự bài tiết nước tiểu, cơ chế tương tự như nhịn tiểu.
+Nhiễm trùng đường sinh dục, tiết niệu
+Thuốc: Một số thuốc có khả năng hình thành sỏi trong thận, đường tiết niệu, đặc biệt với việc lạm dụng kháng sinh thời gian dài.
Để hình thành sỏi trong thận, bệnh phải có thời gian dài tiến triển. Bệnh chỉ có triệu chứng khi sỏi có kích thước đủ lớn để gây nên các vấn đề cho người bệnh?
BSCK 2 Nguyễn Thị Ngọc Bích: Vâng, thường thì người ta biết mình có sỏi trong thận qua siêu âm xét nghiệm định kỳ. Ở Giai đoạn này sỏi còn nhỏ, chỉ cần điều trị nội khoa và uống nhiều nước. Thuốc làm tăng khả năng bào mòn sỏi. Uống nước nhiều giúp tăng lượng nước tiểu qua thận để giúp đưa sỏi ra ngoài dễ dàng.
Còn nếu để lâu quá, khi sỏi tích tụ thời gian dài hình thành kích thước lớn. Khi đó chúng sẽ gây ra các triệu chứng như sau:
- Cơn đau quặn thận xuất phát từ lưng, vùng hông lưng sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng trên.
- Tiểu khó, tiểu buốt. Trong khi đi tiểu, theo dòng nước tiểu, sỏi thận di chuyển theo có thể gây đau buốt cho người bệnh.
- Tiểu ra máu: là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu. Đây được xem như triệu chứng hay gặp của bệnh sỏi thận.
- Tiểu dắt, tiểu són: thường gặp khi sỏi đã di chuyển xuống niệu quản, bàng quang làm tắc đường dẫn nước tiểu. Bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra cơn đau quặn thận.
- Buồn nôn, nôn: do ảnh hưởng của sỏi đến thần kinh vùng bụng, tác động đến hệ tiêu hóa.
- Sốt, ớn lạnh: Là dấu hiệu của trường hợp sỏi thận gây tắc nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng.
Sau khi sỏi thận được đưa ra ngoài ( dù bằng hình thức nào ), người ta có thể yên tâm “kê cao gối ngủ kỹ”?
Với người bình thường, lời khuyên đã là ít nhất một năm cũng nên đi siêu âm tổng quát một lần, thì với những người đã từng bị sỏi thận nên 6 tháng đến một năm bắt buộc kiểm tra siêu âm bụng một lần.
Xin cám ơn BCCK2 Nguyễn Thị Ngọc Bích đã có buổi trao đổi hết sức lý thú này. Hẹn gặp lại bác sĩ trong các đề tài sau.